Đạo làm con

tác giả: Trần Đức Thịnh

Có ai đó đã nói: “Tuổi già là tương lai của chúng ta, tuổi trẻ là quá khứ chúng ta đã đi qua…

Ảnh internet: Cha mẹ già luôn mong ngóng

Trong thời buổi cuộc sống ngày càng khó khăn và phức tạp, mức độ cạnh tranh ngày càng cao, con người như bị cuốn vào những vòng quay không ngừng của công việc, danh vọng, tiền bạc… Không ít trong số đó là những người con trai đã trưởng thành, đã lập gia đình, chỉ vì mải mê tranh đấu với cuộc đời hoặc mải mê vun vén cho vợ con mình mà tình cờ hay hữu ý, coi nhẹ việc chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già ở quê. Họ nghĩ rằng lâu lâu gửi chút tiền, gọi một cuộc điện thoại là đã làm tròn trách nghiệm rồi.

Không, họ đã nhầm, và họ thật đáng trách.

Người già-ông bà cha mẹ như cội rễ, chúng ta như thân cây, và con cháu như là cành quả. Muốn cho cành và quả tốt tươi thì không gì bằng chăm bón cho gốc rễ. Đừng chỉ chăm chăm lo cho vợ cho con mà quên đi bổn phận và trách nghiệm của một người con đối với ông bà cha mẹ mình. Đừng chỉ mải vui ham bạn ham bè mà để bố mẹ ông bà lẻ bóng lủi thủi với nhau. Cổ nhân dạy rồi: có sức khỏe là có tất cả, còn bố mẹ là còn niềm vui. Hay như trong đạo Phật cũng chỉ ra rằng, trong những đức hạnh và những việc thiện mà con người nên làm, thì chữ Hiếu đứng hàng đầu. Vậy hà cớ gì khi ông bà bố mẹ đang còn mà chúng ta không quan tâm chăm sóc, sớm tối hỏi han; hà cớ gì mà chúng ta bỏ bê những cốt nhục tình thâm đã nuôi nấng ta không quản nắng mưa bao năm bao tháng, để chúng ta có được ngày hôm nay. Công cha nghĩa mẹ như trời tựa biển, không lẽ lại không đáng để chúng ta bỏ chút thời gian hay sao.

Đọc đến đây, nếu ai còn cứ vin vào những lý do như hoàn cảnh khó khăn hay thời gian không có, thì xin các vị đừng ngụy biện nữa. Ai cũng có công việc của mình, ai ai cũng bận cả, nhưng đã bao giờ những người bận bịu này tự hỏi, họ bận với mục đích gì, bận để được cái gì chưa!!! Nếu không phải là kiếm được đồng tiền cũng là để mong muốn mang lại hạnh phúc cho gia đình-những người thân yêu của mình!!! Nhưng, cũng như vậy, có bao giờ họ nghĩ, nhiều khi thứ mà gia đình, người thân của họ cần không phải là tiền trăm vàng nén, nhiều khi chỉ là sự năng đi thăm sóc, chăm về hỏi han. Các cụ chả dạy lời chào cao hơn mâm cỗ là gì? Còn gì quý hơn khi một người con luôn nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ngày ngày hỏi han cha mẹ có khỏe không, hôm nay cha mẹ ăn gì, có ngon miệng không, cha mẹ có cần gì không. Được như vậy, tôi xin dám chắc rằng, không có ông bố bà mẹ nào mà không vui cả, cũng như vậy, thì người con đã làm rất tốt trách nhiệm, không, phải nói là đặc quyền của mình rồi.

Ông bà bố mẹ tôi cũng như bao vị phụ huynh khác, luôn dành hết cả những gì quý báu nhất của đời mình cho con cho cháu. Tôi còn nhớ, cứ gặp các cháu là ông tôi lại hỏi đã học bài chưa, còn bà tôi thì hỏi cháu có đói không, có muốn ăn gì không, rồi bà lại lấy ra những đồng quà tấm bánh mà người ta biếu bà, nhưng bà không ăn mà để dành cho con cho cháu. Còn bố mẹ tôi, dù không nói ra nhưng lúc nào cũng ủng hộ tôi; luôn thức và ngóng cổng mỗi khi tôi về muộn, luôn gọi điện nhắc mỗi khi tôi đi chơi rằng chú ý đừng uống bia rượu nhiều không tốt… Vâng, những điều hết sức giản đơn thôi, nhưng chúng ta sẽ khó có thể nghe được những lời chân thành ấy từ những người không phải là thân thương ruột thịt của chúng ta đâu các bạn ạ.

Tôi quen một anh và một chị, có hoàn cảnh gần gần giống nhau, cả hai đều không còn bố, cả hai đều được các bà mẹ một tay gồng gánh nuôi nấng thành người. Và bây giờ, khi các bác về già rồi bệnh tật, cho dù có muôn vàn khó khăn và bất tiện, nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh bạn tôi kêu ca hay phàn nàn đến một câu, anh luôn nhẹ nhàng và tận tâm chăm sóc cho mẹ anh. Còn chị, chị luôn coi niềm vui của mẹ chị là niềm vui của chính mình. Thực sự, tôi rất kính phục và trân trọng hai anh chị đó cũng như những người con hiếu thảo khác. Trân trọng lắm lắm.

Xưa nay, tự cổ chí kim, cứ hễ là bậc chí hiếu thì danh lưu muôn thuở, không cần phải công khanh chức hầu gì cả. Những bậc đại nhân đại đức, đại anh hùng thời xưa đều là bậc chí thành chí hiếu, và cũng không nghi ngờ gì khi họ có thể làm nên nghiệp lớn từ đây, bởi vì con người luôn cần có cái đức làm gốc cho mọi hành xử trên đời mới hợp với đạo trời. Hồi bé đọc Tam quốc tôi mê Quan Vũ, Tử Long, Khổng Minh và rất ghét Tào Tháo. Nhưng càng lớn, càng đọc và ngẫm thì tôi lại càng nể phục nhân vật này, từ cái chí đến cái cách dùng người của ông. Tất nhiên không phải lúc nào ông ta cũng đúng và cũng đạo đức nhưng rốt cuộc tôi vẫn nể ông ta nhất tính đến thời điểm này. Tôi nói ra câu này có lẽ nhiều bạn gái hoặc các chị sẽ không đồng ý và phản ứng, nhưng tôi vẫn xin nói. Tào Tháo có nói một câu mà tôi thấy rất đúng đó là: “Huynh đệ như thủ túc, thê tử như y phục”, hiểu rộng ra tức là cha mẹ anh em là máu mủ ruột rà chỉ có một, mất đi rồi thì không gì thay thế được, còn vợ con, cũng rất quý nhưng vẫn có thể thay thế nếu không phù hợp. Tôi có biết một nhà, có hai anh em, lần đó khi người em gặp sự cố trong cuộc sống, người anh đã khẳng khái nói rằng “Vợ anh, anh có thể bỏ được và nếu mất thì sẽ có thể có người vợ khác, Còn anh chỉ có 1 đứa em, nếu như mất em thì anh vĩnh viễn sẽ không có thể có lại em được nữa”.

Thoáng nghe có thể gây chạnh lòng cho các chị em nhưng thực sự đúng như vậy. Và tôi trộm nghĩ rằng các chị em chính ra nên là người thúc giục chồng và bản thân hiếu kính chăm lo cho cha mẹ hơn nữa mới phải. Làm điều này không chỉ vì cha mẹ thôi đâu, mà còn là vì chính bản thân các chị em nữa đấy.Thật vậy hãy thử nghĩ mà xem: liệu một người đàn ông hờ hững với ngay chính bố mẹ anh ta thì có thể nào lại là người có trách nhiệm một cách tuyệt đối với bố mẹ vợ và sẽ là một trụ cột lâu dài vững bền cho gia đình của chị em không? Còn nữa, còn con cái của chị em thì sao, người xưa và người nay vẫn dạy nhau rằng: cầu trước bắc đâu thì cầu sau bắc đấy; cha mẹ không cần phải giỏi giang nhưng nên làm tấm gương cho con cái sau này, phải vậy không ạ? Còn về người đàn ông, vâng họ là cái trụ cột, đóng vai trò quyết định trong mỗi gia đình, nếu người phụ nữ là người giữ lửa thì người đàn ông là người giữ nhà-là giữ cái nề cái nếp-cái gia phong. Ngoài ra việc của họ với vai trò là người chồng, người con họ phải biết hài hòa giữa hai bên phụ mẫu nội ngoại, vợ con của chính mình. Vẫn biết là khó đấy nhưng nếu tận tâm thì đều làm được hết.

Thế đấy các vị ạ, bố mẹ của chúng ta luôn luôn mong ngóng, luôn dành những gì tốt đẹp nhất của đời mình, nhiều khi hy sinh cả đời để chăm lo cho từng bữa cơm giấc ngủ khi ta còn ẵm ngửa và cả khi chúng ta đã lập gia đình và có con đấy; nhưng các cụ vẫn luôn quan tâm và không bao giờ đòi hỏi sự đáp lại của các vị đâu, các cụ vẫn chỉ mong các vị được mạnh khỏe và vui vẻ thôi. Trăm việc thiện, ngàn việc tốt không gì bằng tận tâm chăm sóc cho ông bà cha mẹ mình đâu. Cũng như vậy, có chịu khó đi chùa đến mấy, công đức bạc vàng bao nhiêu thì cũng không bằng làm tròn chữ hiếu này đâu: Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu. Thờ cha kính mẹ, hết lòng hiếu lễ âu cũng là để đức cho con cho cháu, âu cũng là để chúng nhìn vào đó mà noi gương sau này vậy.

Cuộc sống này chưa bao giờ đơn giản, cũng như vậy các mối quan hệ trong gia đình chưa bao giờ thôi phức tạp. Những người đàn ông – những người chồng – các bạn phải sống làm sao cố gắng làm cán cân và hài hòa các mối quan hệ này. Nó phức tạp hay đơn giản là tùy ở bản lĩnh của các bạn nhưng cho dù có thế nào thì xin hãy sáng suốt. Và xin hãy nhớ, trước khi các bạn làm chồng của vợ bạn, thì các bạn đã là con của bố mẹ các bạn rồi.

Xin kết lại bài viết bằng một câu của một người bạn tôi:

Người già là tương lai của chúng ta. Biết để đối trẻ đãi già…

 

Dinh dưỡng

Từ khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên, danh y Hy Lạp là Hippocrates đã chủ trương rằng, để phòng ngừa và điều trị một số bệnh ta chỉ cần áp dụng những chế độ ăn uống cân bằng hợp lý và sống hài hòa với thiên nhiên.

Ở Trung Hoa xưa kia, ngoài việc triều chính, vua Hoàng Đế đã biết chỉ dẫn cho dân chúng về bệnh tật cũng như cách sản xuất lương thực và sử dụng những món ăn thức uống có tác dụng trị bệnh và có lợi cho sức khỏe.

Các vị danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ong của Việt Nam trước đây đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của ẩm thực trong việc ngăn ngừa và chữa trị một số bệnh. Hãy nghe lời khuyên sau đay của danh y Tuệ Tĩnh: :

“Muốn cho phủ tạng được yên;

Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau”.

Hoặc:

“ Chết vì bội thực cũng nhiều;

Ngờ đâu lại có người nghèo chết no”.

Như vậy, có thể nói rằng từ rất xa xưa các vị danh y trên khắp thế giới hầu như đều đã nhận biết được là vấn đề dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, có thể giúp ta phòng trị bệnh cũng như duy trì được một cuộc sống luôn khỏe mạnh.

 

Khái niệm

Nói một cách đơn giản và dễ hiểu thì khoa Dinh Dưỡng là khoa học về dinh dưỡng. Tuy nhiên, cụ thể và chi tiết hơn thì đây là bộ môn khoa học nghiên cứu về:

  • Thực phẩm và các chất dinh dưỡng;
  • Tác dụng của chất dinh dưỡng tới các điều kiện sức khỏe và bệnh tật củ cơ thể;
  • Tiến trình tiêu hóa thức ăn, bao gồm từ lúc cơ thể tiếp nhận thực phẩm, chuyển vận qua hệ tiêu hóa để hấp thụ các chất dinh dưỡng và loại bỏ phần cặn bã ra khỏi cơ thể.

Còn sự Dinh dưỡng là quá trình  trong đó thực phẩm được đưa vào cơ thể và cách thức cơ thể sử dụng chất dinh dưỡng thu được từ những thức ăn đó cho các nhu cầu của tế bào, cơ quan.

 

Mục đích của sự Dinh Dưỡng

Dinh dưỡng có ba mục đích chính:

1- Tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể có sức khỏe tốt lành;

2-Phòng ngừa các bệnh liên quan tới dinh dưỡng;

3-Khôi phục sức khỏe sau thời kỳ bệnh tật, thương tích.

Người Anh có câu ngạn ngữ rằng “You are what you eat” (Ăn ra sao thì người thế ấy”, đó cũng là nói lên tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng.

Thực phẩm ăn vào sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của ta trong suốt các giai đoạn khác nhau của đời người. Ăn uống không đúng với tình trạng sinh lý cơ thể sẽ có hậu quả xấu mà đôi khi chỉ với một vài thay đổi nhỏ về dinh dưỡng cũng cải thiện sức khỏe rất nhiều.

Cứ nhìn người Á Châu lấy căn bản thức ăn là gạo, ít calcium, thường đều nhỏ con hơn dân Âu châu ăn lúa mỳ, nhiều calcium.

Quan sát người Việt ta, trước đây dân miền Bắc, miền Trung dinh dưỡng thiếu hụt nên cơ thể nhỏ hơn so với người sanh trưởng ở miền Nam, gạo lúa dư thừa.

Con cháu chúng ta ở nước ngoài, dinh dưỡng tốt nên cháu nào cũng to hớn hơn bố mẹ, ông bà.

Cho nên mỗi người cần có một thói quen ăn uống lành mạnh. Nhiều người ý thức được việc đó nhưng ít người thực hiện được. Vì thế, càng tìm hiểu nhiều về ích lợi cũng như tác hại của dinh dưỡng với sức khỏe thì ta càng biết cách ăn uống sao cho thích hợp và có lợi cho sức khỏe.

Các lời khuyên về phương cách ăn uống thì nhiều và khác nhau nhưng mục đích đều hướng về sự bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên cũng có người bối rối, không biết theo lời khuyên nào, nên tùy hứng làm theo ý mình. Thế là người ta đã tạo ra một thói quen đôi khi xấu nhiều hơn tốt. Do đó việc tập luyên thói quen tốt trong ăn uống đôi khi cũng không hẳn là dễ dàng

Thói quen ăn uống cũng thay đổi tùy chủng tộc, văn hóa, khả năng cung cầu, điều kiện tâm lý, nếp sống cá nhân, sự hấp dẫn của món ăn, cách thức mời chào, quảng cáo của giới sản xuất.

Hầu hết các quốc gia đều có đưa ra những tiêu chuẩn về dinh dưỡng cho người  dân, quy định mức dinh dưỡng tối thiểu để cơ thể tăng trưởng mạnh và phát triển trí óc  tốt đồng thời tránh được bệnh tật cũng như kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, còn có các chương trình quốc gia hướng dẫn để người dân biết cách  áp dụng những tiêu chuẩn ấy trong việc ăn uống hàng ngày.

 

Chất dinh dưỡng

Trước hết, cần có sự  phân biệt giữa thực phẩm hoặc thức ăn (Foods) với chất dinh dưỡng ( Nutrients).

Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng. Thịt, cá, rau, trái cây, gạo đều là thực phẩm. Đa số thực phẩm cần được nấu nướng, chế biến để trở thành món ăn.

Chất dinh dưỡng là những chất nuôi sống cơ thể và có sẵn trong thực phẩm. Các chất này rất cần thiết cho sự thành hình của bào thai, sự lớn của trẻ sơ sinh, sự tăng trưởng từ tuổi thơ tới tuổi trưởng thành và duy trì sức khỏe cơ thể trong suốt cuộc đời.

Tình trạng cơ thể tùy thuộc một phần lớn vào chế độ dinh dưỡng mà ta áp dụng.

 

Mỗi chất dinh dưỡng có một hoặc nhiều tác dụng như:

  1. Cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể;
  2. Cung cấp nguyên  liệu để cấu tạo và  tu bổ các mô, tế bào;
  3. Tham dự vào sự điều hòa các sinh hoạt cơ thể.

Các nhà dinh dưỡng ước lượng có tới vài chục chất dinh dưỡng khác nhau dưới dạng đơn thuần hoặc hỗn hợp, được chia làm sáu nhóm chính: nhóm carbohydrat, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm sinh tố, nhóm khoáng chất, và nước.

Mỗi loại thực phẩm chứa một số chất dinh dưỡng khác nhau, cho nên ta cần có chế độ ăn đa dạng mới có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

 

Một chất dinh dưỡng được coi là thiết yếu khi sự thiếu nó sẽ làm suy giảm một số chức năng của cơ thể. Nếu chất này được bổ sung kịp thời trước khi tổn thương xẩy ra thì cơ thể sẽ trở lại bình thường.

Ngoài chất bổ dưỡng, năng lượng là nhu cầu kế tiếp mà chất dinh dưỡng phải cung cấp cho cơ thể.

Các nhóm chất đạm, chất béo và carbohydrat đều cung cấp năng lưọng.

Các nhóm sinh tố, muối khoáng và  nước không cung cấp năng lượng nhưng rất cần thiết cho các mục đích khác.

Ngoài ra trong thực phẩm còn vài chất không được xem là dinh dưỡng nhưng lại cung cấp năng lượng. Đó là các chất xơ, rượu, đường.

 

Một chế độ dinh dưỡng nhiều về lượng và phẩm cũng chưa đủ để có một sức khỏe tốt nếu không có sự cân đối hợp lý các thành phần dinh dưỡng. Trong cơ thể, các cơ quan luôn luôn hoạt động một cách nhịp nhàng tương ứng, để sử dụng các chất dinh dưỡng khác nhau cho các nhu cầu về năng lượng, kiến tạo cũng như tu bổ các mô tế bào sau khi bị thương tích, bệnh tật.

Số lượng thực phẩm tiêu thụ còn tùy thuộc các yếu tố xã hội, tâm lý, sinh học của con người. Tâm trạng vui buồn đều có ảnh hưởng tới sự ăn uống và tiêu hóa chất dinh dưỡng. Các phản ứng sinh hóa trong cơ thể cũng ảnh hưởng tới sự hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng.

Tóm lại, chất dinh dưỡng có thể làm ta mập hay gầy ốm, hoạt động nhanh nhẹn hay chậm chạp, sống vui khỏe hay thường xuyên đau ốm…

Nghĩa là chất dinh dưỡng có rất nhiều ảnh hưởng.

 

Nhu Cầu.

Một chế độ dinh dưỡng có thể xem là:

a-Thỏa đáng: khi cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho các hoạt động, chức năng của cơ thể  cũng như có dự trữ cho nhu cầu cấp bách.

 

b-Không đầy đủ: khi hấp thụ  ít hơn nhu cầu. Trong trường hợp này, cơ thể sẽ lấy nguyên liệu từ kho dự trữ để nuôi dưỡng và tái tạo tế bào. Kho sẽ vơi dần dần nếu không được bổ sung.

Lấy ví dụ: hồng huyết cầu chỉ sống khoảng 120 ngày, tế bào niêm mạc ống tiêu hóa cần được thay thế mỗi tuần lễ. Tất cả đều cần có nguyên liệu từ chất dinh dưỡng. Nếu chỉ thiếu dinh dưỡng trong thời gian ngắn, kho dự trữ có thể đáp ứng, nhưng nếu kéo dài lâu ngày sẽ nảy sinh nhiều bệnh tật liên quan.

 

c-Quá mức: khi cung cấp chất dinh dưỡng nhiều hơn nhu cầu, sẽ tạo ra tình trạng dư thừa. Chẳng hạn, sắt rất cần cho việc tạo huyết cầu tố, nhưng quá nhiều sẽ đưa tới suy gan; Năng lượng thừa dư được cơ thể hấp thụ và chuyển sang dự trữ, quá nhiều sẽ gây ra tình trạng béo phì.

Mọi người đều cần những thành phần dinh dưỡng như nhau, bất kể tuổi tác, giới tính,  chủng tộc, điều kiện sinh hoạt khác nhau. Tuy nhiên về số lượng thì mỗi cơ thể đều có nhu cầu khác biệt.

Cơ thể càng to lớn thì nhu cầu càng cao.

Một người hoạt động nhiều chắc chắn cần nhiều thực phẩm hơn người sống tĩnh tại.

Khi ngủ nghỉ, nhu cầu năng lượng giảm; khi cơ thể run vì lạnh thì cần thêm năng lượng để khỏi lạnh cóng.

Thực phẩm sản xuất ra năng lượng mà đơn vị đo cơ bản là calori (Cal).

Một calori là số năng lượng đủ để làm tăng nhiệt độ của một gram nước lên 1ºC. Vì đơn vị calori quá nhỏ, cho nên khi tính toán năng lượng người ta thường dùng kilocalorie (Kcal), tương đương với 1000 calori.  Mặc dù do thói quen người ta vẫn gọi là calori nhưng trong dinh dưỡng nên hiểu là được dùng để chỉ cho kilocalorie (Kcal).

 

Mức cung cấp năng lượng của một vài nhóm thực phẩm tiêu biểu như sau:

1 gram carbohydrate cho 4 Kcal

1gram chất béo cho 9 Kcal

1 gram chất đạm cho 4 kcal

1 muổng canh đường cát trắng tinh chế (khoảng 4 gr) cho 16 Kcal.

Một muổng canh dầu thực vật (khoảng 5 gr) cho 45 Kcal.

 

Khẩu phần ăn phải phù hợp với mỗi người, không gây cảm giác ngây ngất mệt mỏi vì ăn quá no nhưng cũng không ăn quá ít, vì sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho hoạt động của cơ thể.

Thông thường, khi ăn  con người chỉ nhìn thấy món ăn mà không biết được mối tương quan giữa dinh dưỡng trong bữa ăn với những điều kiện sức khỏe và bệnh tật của cơ thể. Vì vậy, nếu có một hướng dẫn đúng đắn để lựa món ăn thích hợp với nhu cầu cơ thể là điều lý tưởng và hữu hữu ích nhất.

 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Lời khuyên chung của các chuyên gia dinh dưỡng và y tế về sự ăn uống là chúng ta nên:

1-Ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, vì mỗi loại có chất dinh dưỡng mà loại khác không có.

Chẳng hạn sữa mẹ được coi như gần hoàn hảo, nhưng lại có ít sắt và sinh tố D.

Sữa bò có nhiều đạm nhưng rất ít sắt và không có chất xơ.

Thịt động vật có vú nhiều đạm nhưng ít calci.

Trứng không có vitamin C và có rất ít calci vì hầu hết nằm ở vỏ trứng.

Như vậy cần có chế độ ăn đa dạng mới cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

 

2-Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức trung bình. Để tránh tăng cân quá mức, chỉ nên ăn đủ số năng lượng mà cơ thể cần.

 

3-Giảm chất béo động vật bão hòa và cholesterol: lượng cholesterol ăn vào mỗi ngày  không quá 300mg;  chất béo động vật bão hòa không chiếm tỷ lệ quá 10% tồng số năng lượng được cung cấp mỗi ngày. Cho nên mọi người cần dùng dầu thực vật với chất béo chưa bão hòa. Mức tiêu thụ chất béo nói chung không nên quá 30% tổng số năng lượng mỗi ngày.

 

4-Giảm thịt động vật có nhiều mỡ hoặc loại bỏ bớt mỡ khi ăn thịt; ăn nhiều cá. Việc ăn thịt tự nó  không có hại cho người khỏe mạnh,  nhưng ăn  nhiều thịt thường kèm theo nhiều chất béo và cung cấp nhiều năng lượng.

5-Dùng sữa đã gạn bỏ bớt chất béo.

6-Ăn thực phẩm có chất xơ và tinh bột.

7-Tránh tiêu thụ quá nhiều đường tinh chế. Đường không gây bệnh tiểu đường, bệnh tim như nhiều người vẫn lầm tưởng, nhưng vì có nhiều năng lượng  nên dễ dẫn tới béo phì, một nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2.

 

8-Giới hạn muối không quá 2500 mg mỗi ngày để giảm thiểu rủi ro bị cao huyết áp.

9-Hạn chế rượu bia. Nếu không thể bỏ hẳn thì không nên quá 350 ml bia hoặc 150 ml rượu vang, rượu mạnh thì không quá 50ml, hai lần một ngày đối với nam giới, một lần với phụ nữ..

 

Hậu quả của chế độ dinh dưỡng sai.

Chế độ dinh dưỡng sai có nguy cơ đưa tới một số bệnh tật. Sai có thể là quá dư, quá thiếu hoặc không cân đối.

Thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ chậm phát triển, trí nhớ kém, sức đề kháng bệnh tật của cơ thể giảm, cơ thể suy nhược và đưa tới giảm tuổi thọ.

Dinh dưỡng dư thừa sẽ dẫn đến  ác bệnh kinh niên, như  bệnh tim, ung thư, cao huyết áp, tai biến đông mạch não, tiểu đường. Ngoài ra còn có thể mắc phải những bệnh khác như  xơ gan, viêm túi ruột hoặc tai tai nạn, tự tử do tiêu thụ nhiều rượu.

Dinh dưỡng sai mà lại thiếu vận động cơ thể còn đưa tới nhiều ảnh hưởng không tốt khác cho sức khỏe.

Dinh dưỡng không đúng cũng gây ra tổn thương về nhiều phương diện cho các thế hệ sau.

 

Nghệ thuật ăn uống

Mục tiêu chính của ăn uống là để có chất bổ dưỡng nuôi cơ thể, như các cụ ta vẫn nói “An để mà sống”. Nhưng ăn uống cũng là cả một nghệ thuật và việc ăn uống trong cuộc sống còn đáp ứng một số nhu cầu khác:

-Bữa ăn chung tạo ra sự ràng buộc, gắn bó giữa con cái với cha me, giữa mọi người trong gia đình với nhau.

-Phương thức ăn uống bộc lộ nền văn hóa dân tộc, vì mỗi dân tộc đều có những quan niệm, hiểu biết, kinh nghiệm khác nhau về ăn uống (văn hóa ẩm thực).

-Mời nhau ăn uống cũng là một hình thức giao tế phổ biến ở mọi từng lớp, như các bữa ăn thân mật, tiệc giao lưu hay những buổi chiêu đãi ngoại giao.

-Nấu ăn ngon cũng là một nghệ thuật mang tính sáng tạo mà ai cũng có thể học hỏi ở từng mức độ khác nhau.

-Mời nhau dự tiệc tại một nhà hàng danh tiếng cũng chứng tỏ mình là người sành điệu, biết thưởng thức món ăn.

-Ăn uống ngon cũng là một sự hưởng thụ chính đáng trong cuộc sống. Việc ăn uống không chỉ là để nuôi dưỡng cơ thể mà còn có thể mang lại niềm vui sống.

-Biết cách cất giữ thực phẩm chứng tỏ mình là người lo xa, cẩn thận.

Ngoài ra, cũng có người lấy sự ăn uống để hy vọng giải quyết các cảm xúc khó khăn, căng thẳng hoặc dùng sự ăn uống để kiểm soát, kiềm chế người khác.

Tùy theo cảm nghĩ của mình mà việc ăn uống trở thành hấp dẫn, ngon lành hoặc phải miễn cưỡng, ngồi ăn cho xong bữa.

Người Việt ta vẫn có nhiều quan niệm phổ biến về việc ăn uống, chẳng hạn như: thức ăn ngon phải hợp với thời tiết trong năm (mùa nào thức đó); phải có chỗ ngồi ăn ngon chứ không phải bạ đâu ngồi đó mà ăn (ăn có nơi, ngồi có chỗ); cần bạn bè tâm giao, biết thưởng thức để cùng ăn và tạo một không khí vui vẻ thân mật thì món ăn càng ngon thêm.

Ăn đúng cách đòi hỏi sự hiểu biết về thức ăn và nhu cầu của cơ thể trong các giai đoạn khác nhau của đời người. Đặt thực phẩm đúng vị trí, hiểu tầm quan trọng của chúng rồi tạo ra danh mục cung cấp dinh dưỡng cần thiết, tốt nhất cho cơ thể.

Vừa phải, cân đối, đa dạng là những yêu cầu chung rất cần thiết để thỏa mãn nhu cầu năng lượng và mang lại sức khỏe tốt.

Cần tuân theo việc ăn uống điều độ, đúng giờ giấc, đúng cách thức. Thực hiện được như thế, lâu dần sẽ thành thói quen tốt trong việc ăn uống.

Thói quen này cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như hiện trạng sức khỏe, hiểu biết về dinh dưỡng, tín ngưỡng, tôn giáo, chủng tộc, trình độ giáo dục; nhề nghiệp, tình trạng kinh tế cá nhân, sống ở thành thị hay thôn quê, ảnh hưởng từ bạn bè, hương vị, vẻ hấp dẫn của món ăn và cách thức món ăn được quảng cáo.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

Esther, con đường cứu rỗi

Trong tuần lễ vừa qua (từ ngày 16 đến 20 tháng 10, tuần 29 mùa Thường Niên), Phụng Vụ Kinh Sách trong bài đọc một, cho chúng ta nghe câu chuyện trong sách Esther (Cựu Ước). Câu chuyện về một dân tộc đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, và cách nào dân tộc ấy đã thoát, đồng thời kẻ gây ra hiểm họa ấy phải trả giá cho hành động ngu xuẩn của mình.

Esther là một người con gái Israel, cô mồ côi cả cha lẫn mẹ, Mocdokhai là một người gốc Israel làm quan trong triều đình Assuro đã nhận cô làm con, ngày ấy dân tộc Israel đang bị lưu đày sau khi Nabucodonoso đem quân chinh phạt toàn vùng, sang tận Ấn Độ. Khi hoàng hậu Vitat bị thất sủng, vua Assuro chọn Esther làm hoàng hậu và hết lòng sủng ái.

Haman là một vị quan khác trong triều đình đem lòng ganh tỵ và thù oán Mocdokhai, ông ta tìm cách tâu nhà vua nhiều điều để cuối cùng đi đến quyết định tiêu diệt cả dân tộc Israel trong vương quốc của Assuro. Đứng trước cái chết, cả dân tộc Israel đã âm thầm ngậm đắng nuốt cay không một lời phản kháng, cả một bầu khí chết chóc phủ chụp lên thân phận của dân tộc Israel, người ta chỉ biết kêu ca và than thở với nhau.

Ông Mocdokhai tìm cách liên lạc với Esther để cảnh báo về sự sống còn của dân tộc mình, ông kêu gọi lòng can đảm và sự liều lĩnh để cứu cả giống nòi. Esther thấm lời dạy của cha mình, đã xin cha cùng mọi người ăn chay cầu nguyện ba ngày, cả cô và các hầu nữ của cô cũng ăn chay và cầu nguyện nữa. Hết ba ngày chay, cô trang điểm rực rỡ vào gặp đức vua. Trải qua những cơn khiếp sợ kinh hoàng của thân phận làm người, cô đã nói với đức vua về nỗi thống khổ và sự bất công mà cả dân tộc cô phải chịu, cô phân tích cho đức vua thấy: nếu thực hiện lệnh tru di dân Israel, đức vua sẽ gánh lấy hậu quả khôn lường, cô cầu cứu đức vua tha mạng cho dân Israel. Cô chỉ đích danh kẻ mang lòng độc ác xúi xiểm đức vua làm điều chẳng nên. Nghe lời Esther, đức vua đã cho xử tử Haman, kẻ dã tâm và mượn tay đức vua để hại người ngay lành…

Có một hoàn cảnh không khác hoàn cảnh của dân Israel ngày xưa, dân tộc Việt Nam bây giờ đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt cả giống nòi. Cả một giải giang san gấm vóc giờ đã tan hoang đổ nát. Rừng mất trắng, thủy điện tàn phá sông ngòi, cuốn trôi đất đai nhà cửa tài sản vốn đã tả tơi rách nát của dân nghèo. Tây Nguyên thiếu nước trầm trọng, hai quả bùn Bauxit treo lơ lửng trên đầu đất nước.

Đồng bằng sông Cửu Long thì ngập mặn, một trong các vựa lúa lớn của cả thế giới phút chốc hóa đồng chua. Biển chết, tôm cá phơi mình trên bờ cạn, ghe thuyền trơ mốc phủ khăn tang trắng xóa lạnh lùng. Bầu trời xám xịt những quầng mây khói đen như những hình hài ác quỷ sẵn sàng bổ nhào xuống đè bẹp xóm làng. Từng hố sâu chôn chất độc hại không tên gọi ở khắp mọi nơi, đầu ghềnh cuối bãi.

Bệnh viện người ngồi kẻ nằm đông như kiến cỏ, mỗi ngày có hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông (10.000 người một năm), hàng trăm người hóa tật nguyền tàn phế, hơn 300 người chết vì ung thư mỗi ngày, tỷ lệ phá thai đứng nhất nhì thế giới. Rồi nợ công cứ mỗi ngày một vượt xa hạn mức. Quan chức di chuyển tài sản thân nhân ra nước ngoài. Và người trẻ tài năng thì bỏ xứ đi xa… Giống nòi của chúng ta rồi sẽ ra sao?

Cần có một Mocdokhai nói với con gái Esther, cũng là nói cho người dân Việt biết: “Đừng tưởng rằng trong cả dân Do Thái, chỉ có mình con ở tại hoàng cung là được thoát nạn. Vì đến lúc này mà con vẫn cứ ngậm miệng làm thinh, thì người Do Thái sẽ nhận được sự trợ giúp và giải cứu từ một nơi khác; còn chính con và nhà cha con lại bị tru diệt…” (Et 4, 13 và 14). Quả thật, một khi dân tộc Việt Nam rơi vào tình trạng nô lệ thì cái chết nhục nhã không chừa một ai, đừng tưởng rằng ngậm miệng làm thinh giơ khẩu hiệu “không làm chính trị” mà thoát chết !?!

Cần có một Esther cùng với cha mình, ông Mocdokhai, biết chọn phương cách ăn chay cầu nguyện, vận động cả một dân tộc ăn chay cầu nguyện, sám hối về những tội lỗi của mình và khẩn cầu ơn trợ giúp đến từ Thiên Chúa. Câu chuyện ông Moshe lên núi cầu nguyện cùng với ông Aharon và ông Khua khi ông Giosue tiến quân đánh Amalek là một câu chuyện điển hình về sự chiến đấu của Thiên Chúa cho dân của Ngài (Xh. 17, 8 -13).

Cần có một Esther dám đi vào cõi chết để trình bày sự sống, dám đứng lên trước quyền lực để nói, không nói sau lưng, không xầm xì khi vắng mặt, không nói xấu trên bàn cơm, không chém gió nơi bàn nhậu, không phê bình vung vít ở quán cà phê, không trốn chạy trước bức bách đe dọa, không sợ hãi cho bản thân mình, không đớn hèn chấp nhận chịu đứng lặng câm trước sự Dữ.

Cần có một Esther chỉ thẳng mặt kẻ thủ ác, gọi đích danh người dã tâm, tên đầu sỏ tàn phá đất nước: “Đối phương ấy, địch thù ấy, chính là tên Haman khốn nạn này đây!” (Et 7, 5).

Kính Thánh chuyển giao cho ta một kinh nghiệm sống động về thân phận con người, về tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Kinh Thánh đang chờ một lời từ phía chúng ta: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh” cho đất nước chúng ta.

Esther, tên con đường đưa ta đến sự cứu thoát.

Lm. VĨNH SANG, DCCT 21.10.2106

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh gia nhập Đạo Công Giáo

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh gia nhập Đạo Công Giáo
Đồng Nhân 21/Oct/2016

Hôm 19/10/2016, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được Đức Giám Mục Mai thanh Lương làm phép Thánh Tẩy gia nhập Đạo Công Giáo tại nhà thờ Saint Bonaventure Church ở Huntington Beach, California, nhận tên Thánh là Anphongsô. Ông cũng đã được lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Thánh Thể cùng ngày. Hiện diện trong dịp trọng đại này có gia đình thân quyến và các bạn hữu lâu năm của ông đến từ xa, và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ là người đỡ đầu trong nghi thức Thánh Tẩy. Trong thánh lễ đồng tế có Cha Mai Khải Hoàn, Cha Cao Phương Kỷ, Cha Trần Đức, phó tế Chu Bình.

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là nhà toán học, nhà khoa học không gian xuất sắc của Hoa Kỳ, nhà văn và nghệ sĩ. Ông cũng là cựu Đại tá Tư lệnh Không Quân Việt Nam (1958-1962). Sau khi từ nhiệm quân vụ, ông sang Hoa Kỳ du học.

Ông sinh năm 1930 tại Yên Bái, sinh viên khoa học Hà Nội, động viên theo học Khóa 1 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tháng 9.1951; thi đậu vào Trường Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence, 1952; và sau ba năm được huấn luyện ở Pháp và Bắc Phi, tốt nghiệp sĩ quan phi công với nhiều văn bằng đại học trước khi trở về nước phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia.

– Tiến sĩ Khoa học Hàng không và Không gian tại Đại Học Colorado vào năm 1965;
– Tiến sĩ Quốc gia Toán học tại Đại Học Paris VI vào năm 1972;

Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Quốc Gia về Hàng Không và Không Gian(Académie Nationale de l’ Air et de l’Espace) của Pháp, từ 1984; và Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) từ năm 1986.

Trong suốt hai mươi năm (1979- 1999) là phó chủ bút đặc trách môn Cơ Học Vũ Trụ (Astrodynamics) cho nguyệt san Acta Astronautica là tờ báo khoa học chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế.

Năm 1986 là viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).

Năm 1998, khi về hưu, được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư danh dự vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.

Trong nhiều năm ông đã được tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại rất nhiều đại học lớn cũng như hội nghị quốc tế khắp nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.

Về văn học, ông Nguyễn Xuân Vinh lấy bút hiệu Toàn Phong và là tác giả Đời Phi Công, một cuốn sách bán rất chạy và được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961.

Ông cũng là tác giả cuốn Gương Danh Tướng do Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng, in năm 1957 và tập tùy bút Theo Ánh Tinh Cầu do nhà sách Đại Nam xuất bản năm 1990.

Khi còn trong quân đội, Toàn Phong đã viết bốn cuốn Sách giáo khoa Toán học bằng tiếng Việt trong đó có hai cuốn do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam xuất bản.

Ông đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, động học không gian (astrodynamics) và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization). Các sách viết bao gồm:

  • Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics. 1980. Vinh, N. X.; Busemann, A.; Culp, R. D. University of Michigan Press.
  • Optimal Trajectories in Atmospheric Flight 1981. Vinh N. X., Studies in Astronautics 2, Elsevier Scientific Publishing Company, Amsterdam.
  • Flight Mechanics of High-Performance Aircraft. 1993. Nguyen X. Vinh. Cambridge Aerospace Series. ISBN 052134123X

Photos: Kingston Bùi

Arsenic và nước mắm: vấn đề truyền thông khoa học

Câu chuyện “nước mắm nhiễm arsenic” có thể xem là một biến cố về truyền thông khoa học (science communication). Giới báo chí Việt Nam nói chung không am hiểu về khoa học và thiếu kĩ năng xử lí thông tin khoa học, nên dẫn đến những ngộ nhận và đưa tin sai. Trong cái note này tôi muốn đề ra 5 tiêu chuẩn để giới báo chí có thể sử dụng tron việc xử lí thông tin khoa học.

Tôi nghĩ ở khía cạnh xử lí thông tin, nhà báo cũng giống như bác sĩ. Bác sĩ hàng ngày phải xử lí thông tin, qua đọc y văn và đánh giá mức độ tin cậy để phục vụ cho các quyết định lâm sàng. Nhà báo cũng thế, mỗi ngày họ phải đánh giá nhiều thông tin và sàng lọc những thông tin cần thiết để cung cấp cho độc giả.

Tôi có cơ duyên với truyền thông khoa học vì tôi hay viết về lĩnh vực này. Có lần tôi được hân hạnh nói 3 bài về chủ đề này trong một hội nghị của giới báo chí do Bộ KHCN tổ chức ở Vĩnh Phú. Sau này tôi viết thành một số bài về cái mà tôi gọi là “truyền thông thực chứng” (evidence based communication), theo đó tôi đề nghị 10 tiêu chuẩn để đánh giá thông tin khoa học (1). Mấy hôm nay, qua vấn đề nước mắm và thạch tín, tôi nghĩ đến 5 tiêu chuẩn mà tôi muốn chia sẻ với các nhà báo (và các bạn đọc).

Tiêu chuẩn 1: giá trị khoa học

Một thông tin liên quan đến khoa học (như nhiễm độc chất, mối liên quan giữa yếu tố nguy cơ và bệnh tật) có giá trị nếu nó được đúc kết từ một quá trình thu thập và phân tích dữ liệu nghiêm chỉnh. Quá trình ở đây có thể bao gồm:

  • mô hình nghiên cứu, tiêu chuẩn chọn mẫu, cách lấy mẫu hoặc sinh phẩm;
  • phương pháp và thiết bị đo lường;
  • độ chính xác (accuracy) của phương pháp đo lường;
  • độ tin cậy (reliability) của phương pháp đo lường;
  • phương pháp phân tích dữ liệu; và
  • cách trình bày, diễn giải kết quả phân tích.

Có khi nhà báo không đủ kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá các khía cạnh trên, và cách hay nhất là họ kiểm tra xem nơi cung cấp thông tin xem họ đã có kinh nghiệm làm khoa học. Họ có hợp tác với ai để phân tích hay tiến hành nghiên cứu. Kiểm tra nơi hợp tác xem họ đã có thành tích nào trong quá khứ, nếu có công bố khoa học thì càng tốt.

Tiêu chuẩn 2: phân biệt giữa ý kiến cá nhân và chứng cứ

Chứng cứ qua dữ liệu thật mới có giá trị cao. Cùng một dữ liệu nhưng các chuyên gia có thể diễn giải hoặc hiểu khác nhau. Chẳng hạn như nếu nồng độ thạch tín là 3 mg/L thì có người có thể nói là không quan trọng, nhưng người khác có thể nói nồng độ đó cao gấp 2 lần nồng độ cho phép, và do đó … quan trọng. Trong trường hợp này, nhà báo chỉ cần báo cáo dữ liệu thật và so sánh với một giá trị tham chiếu, chứ đừng nghe diễn giải của chuyên gia.

Cần nói thêm rằng trong khoa học, ý kiến cá nhân có giá trị khoa học thấp nhất. Lí do là có khi cá nhân tuy có chức danh nhưng không có kinh nghiệm và kiến thức chưa đạt, nên họ có thể phát biểu theo kinh nghiệm cá nhân. Do đó, trong truyền thông khoa học, cũng như y học thực chứng, ý kiến cá nhân có giá trị thấp nhất.

Tiêu chuẩn 3: tư vấn chuyên gia

Không bao giờ tin vào một nguồn tin hay một chuyên gia. Lúc nào cũng phải tìm tư vấn của ít nhất 2 chuyên gia khác trong chuyên ngành. Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy khi các nhà báo bên này phỏng vấn tôi, họ sau đó tìm hỏi ý kiến của hai, ba đồng nghiệp khác để có thêm ý kiến. Tôi thấy cách làm việc này rất hay, vì nó đảm bảo tính đa chiều của thông tin và cách hiểu thông tin.

Tiêu chuẩn 4: đối chiếu với thực tế 

Những kết quả khoa học thường được rút ra từ những nghiên cứu trong môi trường có kiểm soát chặt chẽ và khó có thể áp dụng trong thực tế. Chẳng hạn như để tìm mối liên quan giữa arsenic và tử vong, nhà nghiên cứu có thể cho chuột uống một liều lượng lớn arsenic mỗi ngày suốt 3 tháng trời, và sau đó xem tỉ lệ tử vong. Một kết quả như thế khó có thể áp dụng cho người, vì trong thực tế chúng ta không phải là chuột, và chúng ta cũng không ăn uống nhiều arsenic như thế. Cho nên, những kết quả như thế không có ý nghĩa gì trong thực tế cả.

Cũng giống như thông tin về thịt đỏ và ung thư mà WHO làm ồn ào năm ngoái, trong thực tế thì rất khó áp dụng cho người. Theo ước tính của WHO, mỗi ngày ăn 50 gram thịt chế biến hoặc 100 gram thịt đỏ chưa qua chế biến tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư trực tràng 18%. Khoan hãy bàn về lí do sinh học đằng sau sự gia tăng nguy cơ này, câu hỏi đặt ra là con số tăng 18% này có nghĩa gì? Muốn hiểu con số này, đòi hỏi phải dùng đến dịch tễ học (mà có lẽ đại đa số các bạn chưa học từ sách giáo khoa). Theo nghiên cứu dịch tễ học, ở người da trắng, nguy cơ (trọn đời) mắc bệnh ung thư trực tràng là khoảng 5%. Do đó, ăn 50 gram thịt chế biến MỖI NGÀY và trọn đời sẽ tăng nguy cơ lên 5.90%, tức chỉ tăng 0.90% mà thôi. Không bao giờ “mắc mưu” mấy con số!

Một điều cần ghi nhận rằng không phải hoá chất nào cũng độc. Bất cứ hoá chất và bất cứ dược phẩm nào cũng có hoạt tính lợi và hại, tuỳ theo cách sử dụng và liều lượng sử dụng. Trường hợp arsenic cũng thế, không phải cứ arsenic hay arsenic vô cơ là có độc tố (như ông Bộ trưởng bộ 4T nói “Ai cũng biết thạch tín là một chất cực độc, thường được sử dụng làm thuốc diệt chuột“). Trong thực tế, arsenic đã được dùng như là một độc tố để ám sát các vua chúa (có giả thuyết rằng vua Quang Trung bị ám hại bằng arsenic), nhưng arsenic cũng được dùng như là một loại dược phẩm để điều trị một số bệnh, kể cả ung thư máu và giang mai. Do đó, không bao giờ quá cực đoan chỉ nhìn cái độc của một hoá chất mà lờ đi cái lợi của nó.

Tiêu chuẩn 5: mâu thuẫn lợi ích

Tiêu chuẩn này tiếng Anh gọi là “conflict of interest”. Trong thời đại ngày nay, rất nhiều nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu y khoa, chịu sự tác động của kĩ nghệ dược phẩm. Kĩ nghệ dược có khả năng (tiền) mướn nhà khoa học làm nghiên cứu, và điều khiển nhà khoa học nên/phải nói gì. Trong các hội nghị khoa học, nhiều người trng giới khoa học cao cấp đều là những người bán hàng cho các công ti dược mang danh giáo sư mà thôi. Có nhiều công còn táo tợn soạn slide cho họ! Không phải tất cả, nhưng nhiều người, đặc biệt là những người nói về thuốc.

Do đó, nhiệm vụ của nhà báo là phải tìm hiểu xem đằng sau thông tin, hay đằng sau một nhóm nào đó, có bóng dáng của các thế lực thương mại hay không. Nếu có sự dính dáng của các doanh nghiệp, thì cần phải cẩn thận, hoặc tốt hơn hết là lờ đi thông tin đó. Chẳng hạn như câu chuyện arsenic và nước mắm càng ngày càng lộ ra là đằng sau thông tin này có bóng dáng của một công ti làm nước mắm nước ngoài.

Nhân nói chuyện này, tôi chợt nhớ đến một công trình nghiên cứu của chúng tôi về ăn chay và loãng xương. Khi công bố, bài báo gây tiếng vang và cả tai tiếng. Những người ăn chay mạt sát chúng tôi là “điếm” của kĩ nghệ thịt (meat industry) vì họ hiểu lầm rằng Ts Nguyễn Đình Nguyên được một công ti giết thịt ở Mã Lai tài trợ! Câu chuyện nói lên rằng sự dính dáng của doanh nghiệp vào các thông tin khoa học là rất tế nhị.

Nước mắm Việt Nam có bao nhiêu arsenic độc?

Đây là câu hỏi làm tôi bận tâm mấy ngày nay, nhưng tôi nghĩ đã có câu trả lời bằng ước tính. Qua vài số liệu của Vinastas (2), tôi đã ước tính rằng nồng độ arsenic trung bình trong nước mắm là khoảng 2.18 mg/L. Chúng ta cần phải có thêm một thông tin khác, và đó là độ lệch chuẩn (standard deviation, SD). Theo một nghiên cứu trước đây công bố trên một tập san khoa học quốc tế thì SD là khoảng 0.05 mg/L (3). Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng khoảng 90% hàm lượng arsenic trong nước mắm là dạng hữu cơ, tức chỉ 10% hay thấp hơn là ở dạng vô cơ.

Từ các dữ liệu này chúng ta có thể ước tính nồng độ arsenic vô cơ trong nước mắm Việt Nam:

  • Nồng độ arsenic vô cơ và hữu cơ trong nước nắm có thể dao động trong khoảng 2.18 ± 3*0.05 = 2.03 đến 2.33. (Cho dù, SD là 0.1 thì nồng độ arsenic cũng chỉ dao động trong khoảng 1.88 đến 2.48 mg/L.)
  • Nồng độ arsenic vô cơ (giả định là 10% tổng arsenic) có thể dao động trong khoảng 0.068 đến 0.368 mg/L. Nói cách khác, nồng độ arsenic vô cơ vẫn thấp hơn 1 mg/L là nồng độ được xem là an toàn.

Tôi nghĩ những ước tính trên đây có vẻ hợp lí. Cách đây vài tuần, báo Thanh Niên cũng có thử nghiệm 106 mẫu nước mắm, và họ viết “… mẫu nước mắm được mua trong một siêu thị tại TP.HCM có độ đạm 50 thì hàm lượng thạch tín là 4,09 mg/lít, cao hơn 4 lần; mẫu nước mắm tại tỉnh Kiên Giang có độ đạm 43 thì hàm lượng thạch tín là 2,97 mg/lít, cao hơn gần 3 lần …” (4).

Như vậy, ngay cả nước mắm có nồng độ arsenic cao như 4.1 mg/L, thì nồng độ arsenic vô cơ cũng chỉ 0.41 mg/L. Ngay cả xem đây là số trung bình, thì chúng ta cũng có thể đoán được rằng nồng độ arsenic vô dao động trong khoảng 0.26 đến 0.56 mg/L, tức vẫn thấp hơn nhiều so với nồng độ an toàn là <1 mg=”” o:p=””>

Nhưng cũng chú ý rằng Thanh Niên đã viết một câu kết luận sai, và sai rất tai hại! Nồng độ cho phép là 1 mg/L hoặc thấp hơn nhưng là nồng độ arsenic vô cơ. Họ so sánh nồng độ hữu cơ + vô cơ với qui định về nồng độ vô cơ. Thật là một sai lầm cơ bản!

Thế nhưng chẳng ai phê phán Thanh Niên, mà tất cả đều nhắm đến Vinastas!

Quay lại câu chuyện arsenic và nước mắm, đối chiếu với 5 tiêu chuẩn tôi nêu trên đây, chúng ta dễ dàng thấy thông tin đều không đạt cả 5 tiêu chuẩn. Họ không cho chúng ta biết về phương pháp và qui trình lấy mẫu, phương pháp phân tích, độ chính xác và độ tin cậy. Các nhà báo đồng loạt đưa tin mà không hỏi ý kiến chuyên gia. Khi hỏi chuyên gia thì phần lớn chỉ là ý kiến cá nhân mà không hề có bằng chứng khoa học. Liều lượng [cứ cho là] nhiễm arsenic thật ra là rất thấp, không đáng quan tâm. Và, sau cùng là có thể có sự tác động của doanh nghiệp lớn đang cạnh tranh với các doanh nghiệp nhỏ trong thị trường nước mắm. Rõ ràng, giới truyền thông đã thất bại hoàn toàn trong việc đưa tin arsenic và nước mắm.

Chú thích:

(1) http://www.thesaigontimes.vn/52183/Muoi-tieu-chuan-de-dua-tin-khoa-hoc.html

(2) http://suckhoedoisong.vn/nuoc-mam-va-thach-tin-4-van-de-dang-sau-nhung-con-so-n123899.html

(3) http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S030881460800767X

(4) http://thanhnien.vn/kinh-doanh/lam-gi-de-nuoc-mam-viet-vuon-ra-the-gioi-can-trong-voi-ham-luong-thach-tin-754112.html

(5) Vấn đề phân biệt arsenic hữu cơ và vô cơ rất quan trọng, nhưng ngay cả Thông tư số 02/2011/TT/BYT của Bộ Y tế cũng còn hơi mập mờ. Lần dò theo thông tư này, tôi phát hiện là Bộ Y tế cũng chỉ dựa vào tiêu chuẩn của Association of Official Analytical Chemists, chứ không có nghiên cứu gì ở VN cả. Thông tư này viết chung chung rằng: “Giới hạn ô nhiễm arsen (As) trong thực phẩm” dành cho nước chấm là 1 mg/L. Câu đó không phân biệt cụ thể vô cơ và hữu cơ! Và, đây có thể chính là nguồn gây hiểu lầm cho báo chí vì họ thấy nồng độ arsenic cao hơn 1 mg/L là lập tức cho rằng … độc hại!

SINH TỐ

SINH TỐ

tác giả: bs Nguyễn Ý Đức

Sinh tố là những chất hữu cơ cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì sức khỏe cơ thể.  Sinh tố góp phần điều hành chức năng của các cơ quan, bộ phận trong người.

Tên tiếng Anh của Sinh Tố là Vitamin, có nguồn gốc tiếng La Tinh “vita” có nghĩa là đời sống và amino là chất dinh dưỡng cần thiết.

Hầu hết các sinh tố cần phải được cung cấp từ thức ăn, vì cơ thể con người không thể tổng hợp được, ngoại trừ hai sinh tố D và sinh tố K. Điều may mắn là trong thực phẩm có đủ các loại sinh tố.

Mặc dù ta chỉ cần một lượng sinh tố rất nhỏ nhưng lượng nhỏ đó giữ vai trò rất quan trọng cho sự sống của cơ thể. Không có sinh tố thì những sinh vật cao cấp như loài người, không thể tồn tại.

Sau đây là một số công dụng của sinh tố:

– Góp phần vào việc cấu tạo tế bào máu, xương và răng.

– Điều hành có hiệu quả những chức năng của tim và hệ thần kinh, tăng cường thị lực của mắt.

– Giúp cơ thể biến thực phẩm thành năng lượng.

– Giữ vai trò xúc tác trong các hệ thống sinh hóa và có nhiệm vụ biến năng lượng để giúp các tế bào và các mô hoàn thành các chức năng rất cần thiết cho sức khỏe của con người;

– Ngoài ra, sinh tố còn có tác dụng hỗ trợ cơ thể sử dụng các khoáng chất, chất đạm, chất  bột đường  và nước.

Có 13 loại sinh tố chính. Đó là sinh tố A, C, D, E, K và tám sinh tố thuộc nhóm B như B1 (thiamin), B2  (riboflavin), B3 (niacin) , B5 (pantothenic acid) , B6 (pyridoxine), B12 cobalamin), folacin (acid foli) và biotin.

Đặc biệt, sinh tố A vừa có trong các thực phẩm từ động vật như thịt, trứng lại cũng có ở dạng  gọi là caroten trong thực vật. Khi được đưa vào cơ thể, caroten được biến thành sinh tố A. Caroten có nhiều trong  cà rốt, rau xanh, cà chua ..  Caroten còn là một chất chống oxy hóa rất hữu hiệu.

Ngoài ra còn một số chất không là sinh tố nhưng có các chức năng gần giống như sinh tố ( vitaminlike substances). Chẳng hạn như  bioflavonoid, carnitine, coenzyme, inositol.

Có hai nhóm sinh tố. Nhóm  hòa tan trong chất béo như các sinh tố A, D, E, và K và nhóm hòa tan trong nước gồm có sinh tố C và các sinh tố B.

Sự phân biệt này rất quan trọng vì cơ thể tồn trữ sinh tố hòa tan trong chất béo ở gan và mô béo tương đối lâu hơn, nên tình trạng thiếu hụt các sinh tố nhóm này chậm xẩy ra. Còn những sinh tố hòa tan trong nước chỉ tồn tại một thời gian ngắn trong cơ thể và cần được bổ sung thường xuyên để tránh các bệnh gây ra do thiếu những sinh tố nhóm này

Đa số sinh tố rất dễ bị sức nóng và ánh sáng hủy hoại. Do đo, trong việc tồn trữ và nấu nướng thực phẩm, một số sinh tố bị mất đi. Sự mất mát càng lớn khi thực phẩm tiếp xúc với ánh sáng, sức nóng hoặc không được ướp lạnh, cất giữ đúng cách.

Sinh tố hòa tan trong mỡ béo ổn định hơn sinh tố hòa tan trong nước khi thực phẩm được nấu nướng. Ví dụ, khi  đun sôi thì lượng sinh tố hòa tan trong nước bị phân hủy trong nước nóng, cho nên muốn duy trì lượng sinh tố này thì không nên nấu quá lâu và chỉ nên nấu với ít nước.

Mỗi sinh tố có nhiệm vụ riêng của nó. Trong một số trường hợp, vài loại sinh tố có tác dụng hỗ tương nhưng không thể thay thế cho nhau.

Ví dụ:

–        Sinh tố D có hiệu quả tốt hơn nếu dùng chung với sinh tố A.

–        Cặp sinh tố D và A hoạt động tốt hơn nếu có sự hiện diện của sinh tố B;

–        Sinh tố E được tăng hiệu năng khi đi chung với cặp sinh tố D và A;

–        Sinh tố C có ảnh hưởng đến tác dụng của sinh tố A;

–        Khi thiếu sinh tố B1 thì sự hấp thụ những sinh tố khác trong cơ thể gặp trở ngại.

Mặc dầu cơ thể cần sinh tố, nhưng sinh tố không thể thay thế thực phẩm. Nếu thay thế được thì người ta đã không cần những bữa ăn rườm rà mà chỉ cần uống vài viên sinh tố bán trên thị trường.

Không có thực phẩm thì sinh tố không được cơ thể hấp thụ vào các hệ thống sinh hóa để làm nhiệm vụ biến năng. Sinh tố không cung cấp năng lượng (calori) và không có khả năng tự nó làm tăng trưởng cơ thể như các chất đạm, chất béo, carbohydrate, khoáng chất và nước.

Vì vai trò quan trọng của sinh tố đối với cơ thể như đã nói ở trên, ta nên xét qua từng loại hoặc nhóm sinh tố để biết chúng có những chức năng gì cũng như nhu cầu của chúng ta đối với các sinh tố đó ra sao.

Sinh tố được chia ra làm hai nhóm: nhóm hòa tan trong dầu mỡ như A,D,E và K; và nhóm hòa tan trong nước như nhóm sinh tố B, C, Folatin..

 

Sinh tố hòa tan trong dầu mỡ.

Sinh Tố A

Sinh tố A hòa tan trong chất béo và có nhiều trong thực phẩm như sữa, bơ, phó-mát, lòng đỏ trứng, gan, dầu cá.

Một số thực vật  như cà rốt, cà chua, rau xanh …có chất carotene hoặc tiền sinh tố A  Provitamin A và sẽ được biến thành sinh tố A khi đưa vào cơ thể.

1-Sinh tố A.

Có nhiều hình thức sinh tố A với tác dụng hơi khác nhau. Hai loại thông thường nhất là Retinol và Dehydroretinol.

Dehydroretinol chỉ có ở cá nước ngọt và chim ăn cá đó nên không quan trọng lắm.

Retinol có trong dầu cá biển, mỡ béo, gan, lòng đỏ trứng.

Sinh tố A là chữ gọi chung cho cả hai loại.

Sinh tố A có mầu vàng nhạt, không hòa tan trong nước nên không mất đi khi nấu nướng thực phẩm.

Sinh tố được hấp thụ ở ruột non dưới tác dụng của mật. Sự hấp thụ có thể bị trở ngại bởi dầu khoáng chất. Dầu này không hòa tan trong nước, thu hút sinh tố A và thải ra ngoài theo phân. Sinh tố không có trong nước tiểu vì không hòa tan trong nước.

Trong cơ thể, sinh tố A được dự trữ nhiều nhất ở gan, một số nhỏ ở tế bào mỡ, phổi, thận.

Công dụng

Sinh tố A :

-Giúp mắt nhìn rõ trong ánh sáng mờ.

-Giúp chế tạo và bảo trì da, răng, xương, tinh trùng, những mô mềm, những màng nhầy;

– Giúp sự sinh sản được bình thường. Mang thai mà thiếu sinh tố này trong ba tháng đầu có thể bị sẩy thai.

-Có thể có tác dụng ngăn chận sự phát triển của tế bào ung thư.

-Các cuộc nghiên cứu mới nhất cho thấy sinh tố A có khả năng giúp trẻ em chống  nhiễm độc, giúp thai nhi tăng trưởng tốt.

Nguồn cung cấp

Sinh tố A có nhiều trong các thực phẩm gốc động vật như dầu mỡ cá thu, gan, cật, sữa, lòng đỏ trứng và các thực phẩm chế biến từ sữa như cà rem, phó mát. Gan bò nuôi bằng cỏ xanh và bò lớn tuổi có nhiều sinh tố A hơn bò non và bò ăn cỏ khô. Dầu gan cá là nguồn cung cấp sinh tố A nhiều nhất.

Sinh tố A tổng hợp cũng công hiệu và an toàn như sinh tố từ động vật nhưng rẻ tiền hơn.

Nhu cầu

Nhu cầu mỗi ngày là 900mcg cho đàn ông, 700mcg cho đàn bà. Tối đa 3000mcg.

Không cần tăng sinh tố A khi có thai, nhưng khi cho con bú sữa mẹ thì người mẹ cần tiêu thụ thêm khoảng 200mcg mỗi ngày.

 Thiếu sinh tố A

Thiếu sinh tố A con người dễ bị nhiễm trùng miệng, cuống họng; giảm thị giác, khô và đục giác mạc (cornea); cơ thể còi cọc, xương chậm mọc, răng yếu mau hư; da khô có vầy; kém khả năng thụ thai, thai nhi kém tăng trưởng.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu sinh tố A ít khi xẩy ra vì trong thực phẩm hàng ngày thường có đầy đủ sinh tố này.

Thừa sinh tố A

Dùng thêm nhiều sinh tố A có thể gây ra ăn mất ngon, nhức đầu, rụng tóc, mắt mờ, tính tình nóng nẩy, da khô, ngứa, tiêu chẩy, ói mửa, sưng gan. Người cao tuổi dùng trên 5000 mcg một ngày có thể bị suy gan.

Đàn bà có thai không nên dùng quá 5000mcg/ ngày vì nguy cơ gây khuyết tật ở thai nhi. Tôt nhất là dùng những thực phẩm chứa nhiều sinh tố A thay vì dùng dạng chế biến.

2.Caroten.

Có ba dạng caroten là alpha, beta và gamma, đều được gọi chung là tiền-sinh-tố A vì khi cơ thể hấp thụ những chất này sẽ biến đổi chúng thành sinh tố A.

Carotene có nhiều trong thức ăn gốc thực vật như các loại rau màu lục đậm và các loại trái cây có mầu vàng cam đặc biệt là trong trái xoài, trái mơ, củ cà rốt, súp lơ, cà chua.

Nhiều nghiên cứu cho thấy beta carotene có thể ngăn ngừa bệnh ung thư nhờ tính chống oxy hóa, vô hiệu hóa gốc tự do trong các phản ứng chuyển hóa của cơ thể.

Nghiên cứu ở Trung Hoa cho hay khi dùng chungvới sinh tố E, beta carotene có thể ngăn ngừa bệnh ung thư bao tử. Kết quả nghiên cứu khác cho thấy  beta carotene còn có khả năng giảm sự truyền bệnh AIDS từ mẹ sang con.

Khác với sinh tố A, beta carotene không gây rủi ro khi được dùng với liều lượng lớn, bởi vì cơ thể chuyển chất này thành sinh tố A dần dần, tùy theo nhu cầu. Trường hợp dùng với lượng quá cao (thí dụ mỗi ngày ăn một kí cà rốt)  cũng chỉ làm cho da trở  nên vàng hay cam. Hiện tượng này sẽ mất đi khi ta điều chỉnh chế độ ăn.

Mỗi ngày ta có thể dùng từ 10-20 mcg carotene mà không có ảnh hưởng xấu cho cơ thể.

Nguồn cung cấp  carotene gồm có: cà rốt, khoai lang, bí ngô, dưa canteloupe, bưởi hồng, rau bina (spinache), mận, broccoli và nhiều loại rau có lá màu lục đậm. Rau trái càng đậm màu lục và màu cam thì càng chứa nhiều carotene.

SINH TỐ D.

Sinh tố D là chất bột mầu trắng, không mùi, hòa tan trong mỡ, không hòa tan trong nước, không bị phân hủy ở nhiệt độ cao và không bị oxy hóa. Do đó sinh tố này không bị mất đi trong khi chế biến hoặc cất giữ  thức ăn.

Công dụng

Sinh tố D rất cần cho sự tăng trưởng của xương và răng. Sinh tố duy trì chất calci và phosphor trong máu ở mức bình thường bằng cách điều hòa sự hấp thụ hai khoáng chất này từ thực phẩm.

Nếu không có sinh tố D, calci trong thực phẩm không được ruột non hấp thụ, cơ thể sẽ lấy calci dự trữ trong xương ra để cung ứng cho nhu cầu khác của cơ thể.

Một số nhà chuyên môn y tế cho rằng sinh tố D  có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột già, vú và các bệnh phong nhức khớp, nhưng vấn đề này vẫn còn đang trong vòng vi nghiên cứu.

Nguồn cung cấp

Thực phẩm cung cấp rất ít sinh tố D, nhưng may mắn là thiên nhiên giúp chúng ta tạo ra loại sinh tố này qua tác dụng của ánh nắng mặt trời chiếu trên da.

Các loại cá béo như cá trích (herring), cá thu (mackerel), cá hồi (salmon), cá ngừ (Tuna), cá sardine là nguồn cung cấp chính của sinh tố D. Cá ăn các sinh vật phù du (plankton) phơi mình trên mặt biển nắng chói.

Gan, lòng đỏ trứng, bơ có một ít sinh tố D.

Sữa người và sữa bò có rất ít sinh tố D.

Rau trái hầu như không có hoặc chỉ có vài dấu vết sinh tố D

Vì thế, các  thứ sữa và thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh đều được bổ sung sinh tố D, chẳng hạn như  một lít sữa thường được bổ sung 10mcg sinh tố D (tương đương với  400 IU). Ngoài ra, ngũ cốc khô ăn sáng, bánh mỳ, margarine, nước trái cây cũng thường được cho thêm sinh tố D.

Sinh tố D được ruột non hấp thụ với sự trợ giúp của mật.

Sinh tố D được tạo ra khi ánh sáng mặt trời hoặc ánh đèn có tia cực tím chiếu lên da. Tia cực tím biến một hóa chất dưới da thành một loại sinh tố D rồi gan và thận tiếp tay biến thành sinh tố D hữu hiệu cho cơ thể. Ta chỉ cần phơi nắng 10- 15 phút, hai hoặc ba lần mỗi tuần là có đủ lượng sinh tố D cần thiết cho cơ thể. Vì lẽ đó, sinh tố này còn được gọi là “Sinh tố Ánh Nắng” Sunshine Vitamin).

Lượng sinh tố được tạo ra theo cách này thay đổi tùy theo thời gian và mức độ tiếp cận với ánh sáng. Da có mầu đậm cản ánh sáng tới 95%, quần áo và cửa kính, không khí ô nhiễm cũng cản tia tử ngoại vào da; mùa đông ít ánh nắng hơn mủa hè.

Phần lớn sinh tố D được dự trữ ở tế bào mỡ, xương và thịt. Một số nhỏ ở gan, óc, phổi và thận. Phần không dùng tới hầu hết được bài tiết theo phân, chỉ có dưới 4% theo nước tiểu.

Nhu cầu

Mỗi ngày nên tiêu thụ khoảng 5mcg (tương đương khoảng 200 IU) và không nhiều quá 10mcg (tương đương khoảng 400IU).

Thiếu sinh tố D có thể đưa đến bệnh còi xương ở trẻ em, mềm xương (osteomalacia) ở người cao tuổi và  xơ cứng mạch máu.

Trong bệnh còi xương, xương mềm và  biến dạng, xương ngực nhô về phía trước (pigeon breast), xương sọ chậm khép kín,  xương sống cong, răng sữa chậm mọc, răng khôn mỏng manh, men răng mau hư. Tất cả đều do thiếu calci và phosphor trong xương.

Dùng sinh tố D với liều lượng lớn như trên 50mcg trong một ngày (tương đương  2000 U.I)  có thể nguy hiểm. Calci trong máu sẽ lên cao, kết tụ vào các tế bào tim, mạch máu, thận, phổi … và cao quá có thể đưa tới tử vong.

Phụ nữ có thai và trẻ em sơ sinh dùng nhiều sinh tố D quá thì van tim thu hẹp, em bé bị chậm phát triển trí não và khuyết tật. Thường thường chỉ khi dùng sinh tố D dạng chế biến thì mới có nguy cơ này, cho nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

 

Sinh Tố D và Ánh Sáng Mặt Trời.

 

Sinh tố D là một chất bột mầu trắng, không mùi, hòa tan trong mỡ, không hòa tan trong nước, không bị phân hủy ở nhiệt độ cao  và không bị oxy hóa. Do đó sinh tố này không bị mất đi trong chế biến hoặc cất trữ thức ăn.

 

Sinh tố D có dưới nhiều dạng và mỗi dạng có tác dụng riêng. Calciferol là hình thức có tác dụng mạnh nhất.

 

Gan và thận giúp chuyển hóa sinh tố D tiêu thụ trong thực phẩm hoặc do tác dụng của tia nắng sang dạng hormone 1.25 dihydrooxyvitamin D. Hormon này gửi tín hiệu cho ruột non để tăng hấp thụ calci và phosphor.

 

Công dụng

 

Sinh tố D rất cần cho sự tăng trưởng của xương và răng.

 

Sinh tố duy trì chất calci và phospho trong máu ở mức bình thường bằng cách điều hòa sự hấp thụ hai khoáng chất này từ thực phẩm.

 

Nếu không có sinh tố D, calci trong thực phẩm không được ruột non hấp thụ, cơ thể sẽ lấy calci dự trữ trong xương ra để cung ứng cho nhu cầu khác của các cơ quan, bộ phận.

 

Một số chuyên viên y tế cho rằng sinh tố D  có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột già, vú và các bệnh phong nhức khớp, nhưng vấn đề này vẫn còn đang trong phạm vi nghiên cứu.

 

Một số nghiên cứu khác cho là sinh tố D có khả năng duy trì tốt hệ miễn dịch, giúp tế bào tăng trưởng và phân sinh thành các loại đặc biệt

 

Nguồn cung cấp

 

Thực phẩm cung cấp rất ít sinh tố D, nhưng may mắn là thiên nhiên giúp chúng ta tạo ra loại sinh tố này qua tác dụng của ánh nắng mặt trời chiếu trên da.

 

Tia cực tím của nắng biến hóa chất ergosterol dưới da thành một loại sinh tố D rồi gan và thận tiếp tay biến thành sinh tố D hữu hiệu cho cơ thể. Chỉ cần phơi nắng 10-15 phút, hai hoặc ba lần mỗi tuần là có đủ lượng sinh tố D cần thiết. Vì lẽ đó, sinh tố này còn được gọi là “Sinh tố Ánh Nắng” Sunshine Vitamin).

 

Điều cần lưu ý là:

 

-Nên tắm nắng vào buổi sáng khi tia nắng còn dịu hoặc xế chiều khi nắng không gay gắt;

 

-Không nên bôi quá nhiều kém chống nắng vì kem ngăn tia cực tím hấp thụ qua da.

 

-Nên phơi mình trần càng nhiều càng tốt.

 

-Cẩn thận để da khỏi bị cháy nắng và có thể gây ung thư da.

 

Lượng sinh tố D do nắng tạo ra thay đổi tùy theo thời gian và mức độ tiếp cận với ánh sáng.

 

Da có mầu đậm cản ánh sáng tới 95%, quần áo và cửa kính, không khí ô nhiễm cũng cản tia tử ngoại vào da; mùa đông ít ánh nắng hơn mủa hè.

 

Các loại cá béo như cá trích (bloater, herring), cá thu (mackerel), cá hồi (salmon), cá ngừ (Tuna), cá sardine là nguồn cung cấp chính của sinh tố D. Cá ăn các sinh vật phù du (plankton) phơi mình trên mặt biển nắng chói.

 

Gan, lòng đỏ trứng, bơ có một ít sinh tố D.

 

Rau trái hầu như không có hoặc chỉ có vài dấu vết sinh tố D

 

Sữa người và sữa bò có rất ít sinh tố D. Vì thế, các  thứ sữa và thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh đều được bổ sung sinh tố D, chẳng hạn như  một lít sữa thường được bổ sung 10mcg sinh tố D (tương đương với  400 IU).

 

Ngoài ra, ngũ cốc khô ăn sáng, bánh mỳ, margarine, nước trái cây cũng thường được cho thêm sinh tố D.

 

Sinh tố D được ruột non hấp thụ với sự trợ giúp của mật.

 

Phần lớn sinh tố D được dự trữ ở tế bào mỡ, xương và thịt, một số nhỏ ở gan, óc, phổi và thận.

 

Phần không dùng tới hầu hết được bài tiết theo phân, chỉ có dưới 4% theo nước tiểu ra ngoài.

 

Nhu cầu

 

Viện Y học Hoa Kỳ đề nghị mỗi ngày nên tiêu thụ khoảng 5mcg (tương đương với 200 IU) và không nhiều quá 10mcg (tương đương với 400IU).

 

Tuy nhiên, một số nhà dinh dưỡng khác, như bác sĩ người Canada Reinhold Vieth, lại cho rằng cơ thể cần số lượng sinh tố D cao hơn, khoảng 4000IU/ ngày.

 

Thiếu sinh tố D

 

Thiếu sinh tố D có thể đưa đến bệnh còi xương ở trẻ em (ricket), mềm xương (osteomalacia) ở người cao tuổi và  xơ cứng mạch máu.

 

Trong bệnh còi xương, xương mềm và  biến dạng, xương ngực nhô về phía trước (pigeon breast), xương sọ chậm khép kín,  xương sống cong, răng sữa chậm mọc, răng khôn mỏng manh, men răng mau hư. Tất cả đều là do thiếu calci và phosphor trong xương.

 

Thiếu sinh tố D xảy ra khi:

 

*Tiêu thụ ít hơn số lượng được khuyến khích

 

*Ít tiếp xúc với tia nắng

 

*Thận không chuyển hóa sinh tố D sang dạng hormone

 

*Cơ thể không hấp thụ được sinh tố D ở ruột

 

Người dị ứng với sữa hoặc ăn rau thuần túy đề dễ bị thiếu sinh tố D. Trẻ em chỉ nuôi với sữa mẹ cũng thiếu sinh tố D, nếu các em không được dùng thêm calci phụ.

 

Những trường hợp sau đây cần dùng thêm sinh tố D:

 

-Em bé nuôi với sữa mẹ.

 

-Người trên 50 tuổi. Lý do là da của họ không tổng hợp hữu hiệu được sinh tố D và thận cũng kém chuyển hóa sinh tố D thành dạng kích thích tố.

 

Theo thống kê, có từ 30-40% người cao tuổi bị gãy xương hông vì thiếu sinh tố D. Do đó lớp người này có thể được bảo vệ hơn, nếu dùng thêm sinh tố D.

 

-Những người ít tiếp xúc với mặt trời như cư dân miền bắc cực, dân chúng mặc quần áo chùm kín cơ thể, người làm việc trong không gian không có mặt trời.

 

-Người da mầu, có nhiều chất màu melanin bao phủ khiến tia tử ngoại không xâm nhập được vào da.

 

Người có rối loạn hấp thụ chất béo như trong bệnh viêm ruột (bệnh Crohn), bệnh xơ nang tụy tạng (cystic fibrosis), bệnh gan, tụy tạng, giải phẫu cắt bỏ một phần bao tử hoặc ruột.

 

Thừa sinh tố D

 

Dùng sinh tố D với liều lượng lớn như trên 50mcg trong một ngày (tương đương 2000 U.I)  có thể gây ra nôn mửa, táo bón, ăn không ngon, mệt mỏi, xuống cân, tăng lượng calci trong máu, rối loạn tâm trí.

 

Quá cao calci trong máu có thể đưa tới rối loạn nhịp tim, kết tụ calci vào các tế bào tim, mạch máu, thận, phổi.

 

Các nhà dinh dưỡng định mức độ tối đa sinh tố D mà cơ thể chịu đựng được là 25µ (1000IU) cho trẻ em tới 12 tháng; 50µ (2000IU) cho trẻ em, phụ nữ có thai và mẹ cho con bú sữa của mính.

 

Một số nghiên cứu cho hay, phụ nữ có thai và trẻ em sơ sinh dùng nhiều sinh tố D quá thì van tim thu hẹp, bé bị chậm phát triển trí não và bị khuyết tật. Thường thường chỉ khi dùng sinh tố D phụ thêm thì mới có nguy cơ này. Vì thế, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

 

Sinh tố E

 

Sinh tố E được các khoa học gia tại Đại học Berkeley, California khám phá ra cách nay hơn 80 năm. Trong những thập niên vừa qua, sinh tố này đã là một trong những ngôi sao sáng trong số các chất dinh dưỡng.

 

Có hai nhóm sinh tố E chính: nhóm tocopherols và tocotrienol với 4 isomers.

 

Trong hai nhóm này, nhóm alpha-tocopherol isomer có tác dụng mạnh nhất ở trong cơ thể. Cơ thể hấp thụ được cả tocopherol thiên nhiên và nhân tạo nhưng loại thiên nhiên trong thực phẩm có nhiều tác dụng tốt hơn.

 

Sinh tố E (tocopherol) có dạng dầu sền sệt, mầu vàng nhạt, hòa tan trong chất béo hoặc cồn và không hòa tan trong nước.

 

Sinh tố chịu đựng được sức nóng và acid nhưng bị phân hủy bởi tia tử ngoại hoặc oxygen.

 

Đun nấu với nhiệt độ bình thường không làm mất sinh tố E, nhưng khi chiên rán chìm trong chất béo hoặc đóng hộp, sấy khô thì sinh tố E mất đi khá nhiều.

 

Vai trò của sinh tố E trong cơ thể

 

Trong cơ thể, vitamin E có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của các  tế bào, bảo vệ sinh tố A và chất béo khỏi bị oxy hóa, tạo hồng cầu, phòng ngừa sự hư hao của tế bào và giúp cơ thể sử dụng sinh tố K.

 

Công dụng

 

Sinh tố E được đề nghị để phòng ngừa hoặc điều trị một số vấn đề của sức khỏe do tác dụng chống oxy hóa của chúng. Tuy nhiên, cho tới nay kết quả các nghiên cứu đều chưa được thống nhất, chưa có tính cách kết luận hoặc mới có ý kiến trung dung (neutral), đôi khi tiêu cực (negative).

 

Theo một số tác giả, sinh tố E là một chất chống oxy hóa rất hữu hiệu. Sinh tố bảo vệ các mô, giúp chế tạo và bảo vệ hồng huyết cầu; giúp cơ thể sử dụng sinh tố K.

 

Vì là chất chống oxy hóa, một số tác giả cho biết sinh tố E có thể tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa các gốc tự do (free radicals) do đó có thể giữ một vai trò nào đó trong sự phòng ngừa ung thư và làm chậm tiến trình lão suy. Selenium và sinh tố E có thể thay thế, hỗ trợ cho nhau trong công dụng này.

 

Nghiên cứu sơ khởi cho thấy sinh tố E có thể ngăn ngừa các chứng bệnh tim mạch, kể cả những chứng nhồi máu cơ tim hay tai biến động mạch não, vì nó làm giảm bớt sự kết tụ của cholesterol xấu LDL (low density lipoprotein) ở trong mạch máu.

 

Một số nghiên cứu khác cho thấy sinh tố E có thể làm tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng mạnh hơn. Đặc tính này có lẽ cũng giúp trì hoãn các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ.

 

Sinh tố E còn làm giảm nguy cơ bệnh cườm mắt (cataract) nhờ khả năng chống oxy hóa.

 

Các nghiên cứu trước đây cho thấy sự sinh đẻ của chuột khả quan hơn khi cho dùng sinh tố E.

Trái với tin tưởng của nhiều người, sinh tố này không có vai trò gì trong việc làm đời sống tình dục người nam mạnh hơn.

 

Nguồn cung cấp

 

Nguồn cung cấp chính sinh tố E là thực phẩm gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hột bông gòn (cotton seed oil), dầu hướng dương (sunflower oil), dầu bắp, phó sản của các dầu vừa kể như margarine; trong mầm lúa mì (wheat germ); trong bắp, các loại hạt có vỏ cứng, hạt dưa (seed), quả ô liu, măng tây và các loại rau có lá màu lục.

 

Thực phẩm gốc động vật có rất ít sinh tố E.

 

Sinh tố E được hấp thụ ở ruột non với sự hỗ trợ của mật và chất béo.

 

Sinh tố E lưu chuyển trong máu và được dự trữ trong tế bào mỡ, gan, bắp thịt, phần dư thừa được bài tiết qua phân.

 

Không giống như sinh tố A và D, sinh tố E không gây ra triệu chứng ngộ độc khi ta dùng một số lượng cao.

 

Tuy nhiên, đang uống thuốc Coumadin chống loãng máu cần cẩn thận, vì sinh tố E cao quá có thể làm xuất huyết nhiều hơn.

 

Nhu cầu

 

Nhu cầu sinh tố E thay đổi tùy theo tuổi tác, nam hoặc nữ, tình trạng sức khỏe và số lượng chất béo bão hòa mà người đó tiêu thụ. Chất béo bão hòa dễ bị oxy hóa vì thế cần tăng sinh tố E nếu ăn nhiều chất này.

 

Liều (dose) sinh tố được ghi theo đơn vị milligram hoặc IU (International units). 1mg alpha-tocopherol tương đương với 1.5 IU.

 

Tại Hoa Kỳ, giới chức y tế dinh dưỡng đề nghị (Recommended Daily Allowance- RDA) là:

-Nam nữ từ 14 tuổi và phụ nữ có thai ở mọi tuổi cần 15mg (hoặc 22.5IU),

– Phụ nữ cho con bú sữa mẹ cần 19mg (hoặc 28.5IU) sinh tố E mỗi ngày.

Số lượng này đều có trong phần ăn hàng ngày nếu ta tiêu thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng trong thực phẩm.

 

Với trẻ em sơ sinh, không có RDA nhưng có đề nghị:

-Các em khỏe mạnh bú sữa mẹ từ lúc sanh tới 6 tháng cần 4mg/ngày (6IU/ngày);

Từ 7-12 tháng cần 5mg/ngày (7.5 IU/ngày).

 

RDA cho trẻ em

-Từ 1-3 tuổi: 6mg/ngày (7.5 IU);

-Từ 4-8 tuổi: 7mg/ngày (10.5 IU)

– Trẻ em từ 9-13 tuổi: 11mg/ngày (16 IU/ngày).

 

Thiếu sinh tố E

 

Thiếu sinh tố E rất ít khi xảy ra và có thể thấy trong bệnh nhân kém hấp thụ chất béo ở ruột như bệnh Crohn, sau giải phẫu, khi kém dinh dưỡng, khi tiêu thụ rất ít sinh tố E hoặc trong vài bệnh di truyền đặc biệt.

 

Thiếu sinh tố trong thời gian lâu có thể đưa tới không vững trong việc đi đứng và không có phối hợp giữa các cơ bắp, yếu cơ bắp, giảm phản xạ (reflex). Thiếu kinh niên có thể đưa tới mù lòa, sa sút trí tuệ, thay đổi nhịp tim.

 

Điều trị khi thiếu sinh tố E cần được bác sĩ xác định và theo dõi vì có nhiều chứng minh khoa học cho hay, dùng thêm sinh tố E có thể gây hậu quả không tốt cho cơ thể.

 

An toàn của sinh tố E

 

Cho tới nay, chưa có chứng minh khoa học về sự công hiệu của sinh tố E khi dùng quá liều để được cơ quan y tế đưa ra (RDA). Do đó, cần cân nhắc lợi hại trước khi quyết định dùng thêm sinh tố E.

Dùng thêm trong thời gian ngắn với liều tối đa 1000mg/ ngày (tương đương với 1100 IU) được coi như tương đối an toàn và có thể có ích lợi.

Ảnh hưởng lâu dài khi dùng nhiều sinh tố E vẫn chưa được làm rõ cho nên các giới chức y tế khuyên không nên dùng quá nhiều sinh tố này.

Quá nhiều sinh tố E có thể đưa tới viêm da, đau bụng, tiêu chẩy, ói mửa, tăng rủi ro xuất huyết, chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu, mờ mắt…

 

SINH TỐ K.

Sinh tố K (còn gọi là sinh tố chống xuất huyết) hòa tan trong chất béo và có hai loại:  K1 có tự nhiên trong rau mầu lục và K2 được tổng hợp bởi các vi sinh vật trong ruột của người và động vật. Sinh tố K3 được tổng hợp bằng phương pháp khoa học.

Công dụng

Sinh tố K có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống chẩy máu khi bị vết thương trên da thịt hay xuất  huyết trong cơ quan nội tạng. Sinh tố K giúp gan tổng hợp bốn yếu tố đông máu II, VII, IX và X mà khi thiếu các yếu tố này thì máu không đông được .

Nhiều nghiên cứu sơ khởi cho thấy sinh tố K có thể tăng cường sức chịu đựng của bộ xương  ở người cao tuổi.

Nguồn cung cấp

Các vi khuẩn trong ruột con người tạo khoảng 80% sinh tố K, số còn lại do thức ăn cung cấp.

Sinh tố K có nhiều trong trà xanh, cây củ cải (turnip), bắp su (cabbage), su lơ (cauliflower), những loại rau có lá lớn, đậu nành và nhiều loại dầu thực vật, gan, thịt lợn.

Sinh tố K chịu đựng được sức nóng và độ ẩm nhưng bị tia tử ngoại, acid, kiềm, oxygen phân  hủy. Việc nấu nướng thức ăn  thường không làm mất sinh tố K.

Sinh tố K tổng hợp menadione hay K3 cũng có tác dụng như sinh tố K.

Nhu cầu

Mỗi ngày nên tiêu thụ từ 30 mcg-80 mcg tùy theo độ tuổi. Số lượng này đều có trong thực phẩm nên không cần phải uống thêm sinh tố K.

Lý do thiếu sinh tố K thường là do uống nhiều thuốc kháng  sinh khiến vi khuẩn trong ruột bị tiêu diệt, hoặc không có khả năng hấp thụ sinh tố K từ thực phẩm.

Trẻ sơ sanh chưa có vi sinh vật trong ruột, cũng thường hay thiếu sinh tố K nên sau khi sinh, được tiêm một lượng  nhỏ sinh tố này để ngừa chảy máu.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

Cảm nhận lan man về Thái Lan

Nhân dịp nói chuyện Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, tôi muốn chia sẻ vài trải nghiệm và cảm nhận của cá nhân tôi về người Thái. Tôi có một thời gian dài hợp tác nghiên cứu với các đồng nghiệp Thái Lan, và họ thậm chí coi tôi là … người Thái. Trong những chuyến công tác bên Âu châu, thỉnh thoảng tôi đi chung với đoàn Thái Lan.

Tình cảm con người thay đổi theo thời gian, đúng như câu “chẳng ai tắm một dòng sông 2 lần.” Tôi nghĩ hầu hết người tị nạn thời thập niên 1980s chắc không ưa Thái Lan. Tôi cũng thế. Hàng trăm ngàn người mình chết trên đường vượt biên, một số là do cướp biển. Nhìn cái cảnh đồng hương mình sống sót khi nhập trại tị nạn tôi có thời gian căm thù Thái Lan. Nhưng thời gian rồi cũng làm nguôi ngoai trước những bức xúc thời cuộc. Bình tâm nghĩ lại sẽ thấy người tị nạn mang ơn các nước như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân. Nếu không có những nước này cung cấp trại tạm cư tị nạn thì làm gì chúng ta có ngày nay. Việt Nam mình có bao giờ dung chấp người tị nạn đâu? Chưa bao giờ. Người Duy Ngô Nhĩ mới qua biên giới thì Việt Nam đã trả về cho Tàu — thật là ác ôn. Nhìn như thế sẽ thấy chính quyền Thái Lan tử tế hơn và văn minh hơn mình nghĩ.

Sau này, từ đầu năm 2000 trở đi, tôi hay đi nói chuyện bên Thái Lan. Tôi đi từ Bangkok sang Chiang Mai, qua Phuket đến Pattaya. Nói chung là đi nhiều nơi, có khi còn về thăm trại tị nạn nữa, nhưng bây giờ là những dãy nhà dân rồi, không nhận ra nơi mình đang ở đâu trước đây. Tuy nhiên, những chuyến đi đó chủ yếu là “cưỡi ngựa xem hoa”, vì chỗ nào cũng chỉ vài ngày. Nhưng mấy năm trước, qua một đồng nghiệp Thái thân thiết (người xem tôi như là anh ruột), tôi có thời gian hơn 1 tháng ở thành phố Khon Kaen, giống như Cần Thơ mình. Tôi đến đó với tư cách là một visiting professor. Nói là làm việc cho Đại học Khon Kaen (KKU), chứ trong thực tế tôi bay đi về Việt Nam nói chuyện trong các hội thảo hoài, và Trường cho tôi cái tự do đó. Thời gian ở KK là một trong những thời gian đẹp của đời mình, vì được sống lại suốt 1 tháng trời ở vùng Đông Nam Á, dù sao cũng là quê mình.

Nhưng cái thời gian đó cũng làm tôi trăn trở mãi đến ngày hôm nay. Tôi thấy Thái Lan giàu quá. Không chỉ giàu về kinh tế vốn đã đi trước VN mình cả nửa thế kỉ, nhưng giàu về tình cảm và đạo đức xã hội.

Ngày đầu tiên tôi đến nhận phòng trọ đã là một ngạc nhiên. Trường cho tôi ở một nơi gần Khoa Y để tiện đi lại, nên họ kiếm nhà trọ sạch sẽ và mới. Cô tiếp viên nói tiếng Anh như gió, nhưng bà mẹ thì chỉ cười vì không rành tiếng Anh. Tôi vào nhận phòng, hài lòng ngay, vì phòng rất rộng, thoáng, sạch sẽ và mới, view nhìn ra sân vườn rất đẹp. (Cái vườn có nhiều cây trái này, chiều nào tôi cũng bắt võng nằm nhìn trời và mơ mộng). Tôi tìm hoài trong phòng mà không thấy cái safe (tủ để tiền và đồ tương đối đắt tiền). Tôi xuống gặp cô tiếp viên phàn nàn là sao không có cái safe. Cô ấy hơi ngạc nhiên, rồi nói “Oh, ở đây đâu cần cái đó”! Tôi kinh ngạc tưởng mình nghe lầm, và lặp lại là tôi cần cái safe chứ. Nhưng cô ấy chỉ tay ra cái hàng xe Honda và xe đạp, rồi nói “Ông thấy đó, đâu có xe nào có khoá đâu. Ở đây không có chuyện ăn trộm xe, cũng chẳng ai vào phòng ông lấy đồ.” Rồi như để trấn an, cô ấy chỉ một ông người Mĩ đi ngang, nói: “Đấy, cái ông doctor đó ở đây 3 tháng rồi, đâu có safe gì đâu.” Tôi thấy mình đúng là đến từ nơi kém văn minh, nên cái gì cũng nghĩ đến khả năng bị ăn trộm. Ôi, sao xứ người ta hiền lành thế!

Người dân ở đây rất dễ mến, hiểu theo nghĩa họ chẳng làm tiền những người nước ngoài như tôi. Lúc nào họ cũng cười. Chiều tối nào tôi cũng dạo quanh một vòng khu phố chung quanh đại học, và món tôi thích là xoài, xà lách đu đủ, và một lon bia. Ngồi nhâm nhi nhìn người qua lại cũng vui. Tôi không biết một chữ Thái nào, và ít người bán hàng biết tiếng Anh (có người biết tiếng Anh, nhưng ít). Vì thế liên lạc nhau tất cả chỉ là chỉ dùng tay thôi. Tôi cố ý làm “thí nghiệm” trong tuần đầu, đi thử nhiều chỗ, xem họ có lấy thêm tiền hay “hét giá” không. Không hề. Chỗ nào cũng bán với giá y chang nhau. Tiền thối không thiếu một cent nào. Có chỗ thấy tôi đến thường xuyên còn làm cho dĩa xà lách đu đủ nhiều hơn dĩa bình thường nữa chứ!

Sau này tôi mới biết là có khoảng 100 du học sinh VN đang học masters và PhD ở đây. Mấy em ấy nghe tin tôi là visiting prof người Việt, nên đến làm quen. Hoá ra, đa số các em này đều đã đọc blog của tôi và họ đang áp dụng những gì tôi chỉ trên blog để theo học ở đây. Mấy em này có hẳn hội du học sinh. Một hôm các em ấy tổ chức hội thảo mời tôi đến nói chuyện về khoa học. Có cả Gs Phùng Đắc Cam đang công tác bên đó cũng đến dự. Buổi nói chuyện hết sức hào hứng và mấy em ấy có nhiều trăn trở, so sánh …

Thế là tôi có thêm bạn, chiều nào đám đàn ông cũng kéo nhau đi … nhậu. Chỗ đó có nhiều nhà hàng lộ thiên chuyên bán món thịt nướng. Thực khách trả một số tiền cố định, rồi tự mình đi lấy hải sản, thịt thà, rau cải, v.v. nướng và tự phục vụ. Tôi không thấy bảng hiệu về hạn chế số thực phẩm có thể ăn. Chúng tôi thường hay kéo nhau ra những quán này để nhâm nhi. Thoạt đầu, mấy em ấy sợ tôi say xỉn, nhưng sau này thấy tôi có thể “tiếp chuyện” đến 9-10 giờ đêm, nên thầy trò chẳng còn ai giữ kẽ nữa.

Văn phòng tạm thời của tôi nằm trong một bệnh viện của Trường. Ngày đầu tiên đến nơi nhận nhiệm sở, tất cả thủ tục hành chính, máy tính, nối mạng, email, chìa khoá, v.v. và v.v. chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tôi chẳng làm gì cả, ngoài điền mấy cái form, và có người đến giúp tôi kết nối mạng. Các bạn thử tưởng tượng với một campus lớn rộng hơn 3 triệu m^2 (gấp 30 lần diện tích trường ĐH Tôn Đức Thắng), mà ở bất cứ building nào cũng có wireless access. Và, không cần nói thêm rằng chất lượng wireless của họ y chang như trường UNSW bên Úc. Xem thử cái thư viện, nó lớn gần như một đại học Hoa Sen. Cơ sở vật chất ở đây quá tốt. Xin nhắc lại, đây chỉ là đại học vùng như ĐH Cần Thơ thôi (nhưng hình như đứng hạng 4 của Thái Lan).

Tôi nể phục kỉ luật của sinh viên Thái. Như tôi nói, KKU là một trường rất lớn, chiếm nguyên một khu rừng đẹp, với diện tích hơn 3.3 triệu m^2 (tức khoảng 350 ha). Trường có khoảng 40 ngàn sinh viên. Mỗi ngày có hơn 10 ngàn xe hơi của sinh viên ra vào Trường. Điều kì diệu là với lưu lượng xe đó mà không hề có một tiếng kèn! Chiều chiều, tôi đứng trên lầu 10 nhìn xuống thấy xe ra rất trật tự. Chỉ có 1 anh bảo vệ duy nhất điều phối giao thông của Trường.

Ở đó một thời gian tôi mới biết người Thái có tôn ti trật tự trong sự kính trọng. Vua là người được kính trọng số 1. Kế đến là nhà sư, thứ hai. Sau hay ngang hàng nhà sư là thầy giáo, kể cả giáo sư đại học. Cách họ chấp tay chào cũng thể hiện trật tự này: chào vua là phải chấp tay cao hơn đầu, chào sư và thầy là chấp tay ngang trán (?), còn chào người bạn bình thường thì chấp tay ngang cằm. Có thể tôi nhớ sai, các bạn biết có thể chỉnh sửa cho.

Sự kính trọng dành cho người thầy rất ấn tượng. Cứ mỗi lần tôi đi thang máy, vì chức danh của tôi là thầy, nên các em sinh viên và bác sĩ đều nhường tôi vào trước. Mấy ngày đầu tôi không quen, nên nhường mấy em nữ đi trước, nhưng họ nhất định bảo tôi phải vào trước. Sau này, anh bạn đồng nghiệp giải thích tôi mới biết đó là đặc quyền của thầy. Ngày nào tôi cũng có lịch trình làm việc, và lịch trình cho biết tôi sẽ gặp ai, bao lâu, về vấn đề gì. Ngày thì tư vấn cho một em nghiên cứu sinh, ngày thì bàn về đề cương nghiên cứu với một giáo sư, có ngày chỉ “tán dóc” với một em sinh viên ngưỡng mộ mình qua mấy bài giảng (nhưng phải nói sinh viên loại này cực kì thông minh). Ai cũng nói tiếng Anh thông thạo, do đó tôi hoàn toàn thấy mình là người trong “bộ lạc”. Có khi tôi tự hỏi biết bao giờ VN mình sẽ có một thế hệ sinh viên như vầy.

Ở đó một tháng, nhưng tuần nào cũng gặp sếp lớn của Trường. Tuần thì đàm đạo với hiệu trưởng, tuần thì khoa trưởng, tuần thì phó khoa, v.v. Ai cũng niềm nở tiếp tôi mà không hề phân biệt “yếu tố nước ngoài” hay người Thái. Chắc chỉ là ngoại giao để tỏ lòng hiểu khách thôi. Tôi thấy ai cũng có tầm nhìn chiến lược, và cạnh tranh ghê gớm. Họ còn cho tôi xem báo cáo chiến lược và xin ý kiến. Những báo cáo về bibliometrics được cập nhật hàng tháng, và họ theo dõi các “đối thủ” như Chiang Mai, Songkhla rất sát. Dù biết tôi là người Việt, nhưng họ không hề giấu giếm ý đồ sang Việt Nam thu hút các sinh viên và nghiên cứu sinh giỏi.

Một lần, anh hiệu phó chỉ tôi mấy căn nhà giống như biệt thự trong khuôn viên rừng, và hỏi “anh muốn có 1 cái không”. Tôi mỉm cười nói “nhìn thấy lí tưởng quá, ở đó chắc ngày nào cũng holiday cả.” Anh ta cười lớn, rồi nói tôi tưởng tượng phong phú quá; đó là nhà của các giáo sư. Anh ấy nói ngày nào tôi nghỉ hưu thì về đây để ở cho thoải mái. Ở đây giáo sư có đặc quyền nhà cửa và con cái đi học nếu họ làm nghiên cứu tốt; nếu không thì sẽ bị giảm đặc quyền. Do đó, nhìn chủ nhà của các căn biệt thự này chúng ta biết đây là những người giỏi và còn tồn tại!

Cuối tuần nào cũng được anh bạn chở ra ngoài thành phố, về các miền quê. Đó là yêu cầu của tôi, vì tôi nghĩ về miền quê mới biết “trái tim” của Thái Lan, chứ ở thành phố thì chỗ nào cũng giống giống nhau. Ui chao, những xa lộ 6 lane được xay dựng hơn 40 năm trước, với xe ngược xuôi làm tôi có ấn tượng tốt về sự phát triển của Thái Lan. Vào các làng quê còn thấy họ văn minh hơn mình nhiều. Đường vào những làng quê có khi đẹp như mơ, vì hai bên đường cây cỏ xanh rì.

Điều quan trọng là ở làng quê Thái Lan, người ta xây nhà cửa có thứ tự, chứ không phải muốn xây thế nào thì xây như ở miền quê VN. Do đó, nhìn từ xa, chúng ta thấy những làng quê xanh và đẹp vì sự thứ tự của nhà cửa. Nhà nào cũng có một chiếc xe hơi, thường là xe Toyata pickup, nhưng có nhiều nhà có 2 chiếc, một pickup và một xe du lịch. Nhìn ánh mắt người dân, tôi thấy họ hạnh phúc. Hạnh phúc là phải, vì đa số họ làm ruộng chỉ 1 mùa, còn lại là làm nghề truyền thống. Nhưng các làng nghề truyền thống là có tổ chức chứ không phải “trăm hoa đua nở”. Do đó, người dân quê có việc làm quanh năm. Tất cả những phát triển này là từ thời vua Bhumibol Adulyadej.

Một hôm chúng tôi đi Lào theo lời mời của một bác sĩ bên Lào, trước đây là sinh viên của KKU. Đến hải quan ở biên giới là thấy ngay thế giới văn minh và thế giới kém văn minh. Vì tôi cầm passport Úc, nên phải qua di trú Thái Lan đóng dấu ra ngoài. Thủ tục bên Thái Lan không đầy 1 phút. Đến khi qua vượt cầu qua Lào thì hoàn toàn khác. Anh chàng sĩ quan di trú Lào cầm passport của tôi lật đi lật lại, không nói gì. Khoảng 2 phút sau, anh ta nói gì đó mà tôi không hiểu. Anh bác sĩ Lào nói lại một tràng. Hai bên có vẻ căng thẳng, tôi bèn hỏi có vấn đề gì, anh bác sĩ nói “để tôi xứ lí”. Hoá ra, họ đang mặc cả. Tay sĩ quan di trú đòi tôi phải đóng 30 USD (nếu tôi nhớ không lầm), còn anh bác sĩ Lào thì đòi đúng luật, tức chỉ 5 USD hay gì đó. Hai bên giằng co, chẳng ai chịu ai. Anh bác sĩ rút điện thoại gọi [có lẽ là] cấp trên của anh sĩ quan kia, và cuối cùng thì tôi cũng được cho vào Lào nhưng với cái giá 10 USD. Nhìn cảnh đó tôi không thể không nghĩ đến mấy cửa khẩu Việt Nam, vì họ cũng vòi vĩnh tiền y như mấy anh Lào này. Tôi thở dài ngao ngán nghĩ “sao mà họ giống nhau thế”!

Khi qua Lào, lúc đó còn nghèo lắm, đường xá ổ gà tùm lum. Ăn một tô phở trong một quán nổi tiếng của người Việt ở Vientiane, no nê xong, đến phiên làm việc. Bà khoa trưởng y khoa Lào, nói tiếng Anh và tiếng Pháp như gió, chợt hỏi tôi một câu là Trường Vientiane có nhiều đại học trên thế giới như Mĩ, Úc, Anh đến giúp đỡ, bà hỏi tôi tôi nên chọn ai. Tôi không cần suy nghĩ dù chỉ 2 giây, tôi nói: Bà chọn Mĩ dùm tôi. Bà hỏi thêm, nếu Lào phải tìm mô hình phát triển đại học, Lào nên theo Việt Nam hay Thái Lan. Câu này hơi khó, tôi nghĩ thầm trong đầu và suy nghĩ xem bà có ý gì. Tôi không trả lời trực tiếp, mà nói bâng quơ: Bà chọn chỗ nào có nhiều ánh sáng mà làm theo. Bà cười lớn.

Trên đường về Thái Lan, trời tối, chúng tôi ghé ngang qua tỉnh Udon Thani ăn uống. Đây là một tỉnh miền trung, có thể nói là ” khỉ ho cò gáy ” của Thái Lan (không biết nói vậy có đúng?) Chúng tôi lang thang tìm nhà hàng ăn uống. Anh bạn tôi rút điện thoại hỏi một đồng nghiệp địa phương để tìm địa điểm thích hợp. Sau cùng thì cũng đến một nhà hàng gần bờ hồ, rất hay. Tôi không ngờ nhà hàng vùng khỉ ho cò gáy này mà văn minh ghê. Từ phong cách phục vụ đến món ăn, đến cái khăn trải bàn, tất cả đều toát lên một sự trang trọng bình dân. Tôi trầm trồ trong lòng hoài, ở VN làm sao có một quán như thế nào ở Cần Thơ, chứ chưa nói gì đến Rạch Giá quê tôi. Nói như vậy không có nghĩa là “đứng núi này trông núi nọ” hay “sân cỏ của nhà hàng xóm lúc nào cũng xanh hơn sân cỏ nhà mình”, mà chỉ đưa ra một nhận xét về quá trình phát triển mà thôi.

Tôi nghĩ trong thực tế và ở diện rộng hơn, Thái Lan chắc chắn có nhiều vấn đề tiêu cực như các nước đang phát triển khác, mà có lẽ tôi chưa nhìn thấy hết. Tham nhũng là một vấn đề ở bên đó. Bất bình đẳng về kinh tế giữa người giàu và người nghèo. Báo chí cũng phàn nàn về tình trạng đạo đức xuống cấp. Chính trị bất ổn, nhưng hình như chẳng ai quan tâm. Về khoa học, họ đang bức xúc vì đang thua Mã Lai, và họ sợ Việt Nam sẽ qua mặt (có lẽ họ lo xa). Nhưng nói chung Thái Lan vẫn là địa điểm có nhiều lợi thế hơn VN khi nói về cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Du lịch sang Thái Lan có nhiều điểm hay hơn Việt Nam mình. Ở Thái Lan, không có hay hiếm thấy tình trạng chặt chém du khách. Gạo Thái Lan xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới và đặc biệt là các nước giàu có, nhưng gạo Việt Nam chỉ đến các nước nghèo. Ngay cả người Việt ở nước ngoài cũng thấy tin tưởng vào hàng hoá Thái Lan hơn là hàng hoá của Việt Nam.

Nói tóm lại, như các bạn thấy, tôi có nhiều kỉ niệm với đất nước và con người Thái Lan. Giáo dục đại học Thái Lan cách xa giáo dục đại học Việt Nam, vì họ hội nhập quá lâu và quá sâu vào thế giới tự do. Ở Thái Lan, các đại học bệnh viện có thể tổ chức hội nghị, workshop, seminar, v.v. mà chẳng cần xin phép ai. Họ muốn mời ai thì họ mời, bất kể người đó đến từ Mĩ hay Úc hay Việt Nam. Ở ĐH Mahidol, hơn 1/5 giáo sư và giảng viên là người nước ngoài. Họ cũng phân biệt giáo sư nước ngoài và nội địa, hiểu theo nghĩa giáo sư nước ngoài hưởng lương cao hơn giáo sư trong nước. Tôi thấy Thái Lan đã đi trước Việt Nam rất xa, không chỉ về kinh tế mà về văn hoá. Đạo Phật của Thái Lan là quốc giáo, còn Đạo Phật ở Việt Nam đã biến thái và biến chất, bị chính trị hoá phần lớn. Tụt hậu về kinh tế thì còn bắt kịp vài chục năm, nhưng suy thoái về đạo đức và văn hoá thì cần đến nhiều thế hệ mới phục hồi được, chứ chưa nói theo kịp người ta.

Cách đọc Kinh Thánh của Đức Francis

Cha muốn nói với chúng con cách cha đọc cuốn Kinh thánh cũ này của cha.

Thường thì cha đọc từng chút một; sau đó cha đặt sách xuống và chiêm ngắm Thiên Chúa. Không chỉ nhìn ngắm Chúa, nhưng còn để Ngài ngắm nhìn cha. Ngài ở đó. Chính cha để cho mình nhìn ngắm Ngài. Và cha cảm thấy – không phải bằng tình cảm ủy mị- cha cảm nhận những điều rất sâu xa mà Thiên Chúa nói với cha. Thi thoảng Ngài chẳng nói gì. Sau đó, cha không cảm thấy chi, chỉ thấy trống rỗng, trống rỗng và trống rỗng… Nhưng cha vẫn kiên nhẫn và đợi chờ, đọc và cầu nguyện. Cha ngồi cầu nguyện bởi nếu quỳ thì đầu gối cha đau lắm. Thỉnh thoảng cha cũng buồn ngủ khi cầu nguyện. Nhưng đó không phải là vấn đề hệ trọng. Cha thích mình như người con với cha của mình, và điều ấy quan trọng biết bao. (trích từ bài nói chuyện với các người trẻ)

Bản tính Thiên Chúa – Hồ hởi hay Thập giá?

.

11.10.2016

Chuyện khôi hài lại là nơi để học hỏi và có cái nhìn thoáng qua về sự thiêng liêng. Mới đây, trong một tiệm tạp hóa, tôi đã chứng kiến chuyện này.

Một cô gái trẻ, có lẽ khoảng 16 tuổi, cùng với hai cô khác trạc tuổi, bước vào tiệm. Cô lấy một giỏ đồ rồi đi chọn hàng, mà không biết có một chiếc giỏ khác đang mắc vào chiếc giỏ cô cầm.  Đến một lúc, chuyện không thể tránh khỏi đã xảy ra, chiếc giỏ kia bung ra và rơi xuống sàn kêu một tiếng lớn khiến cô và những người chung quanh hoảng hồn. Phản ứng của cô gái thế nào? Cô bật cười, toát ra một niềm vui thích thú khi bị giật mình. Với cô, chuyện chiếc giỏ bất thần rơi ra, không phải là một chuyện bực mình mà là một món quà, một chuyện khôi hài bất ngờ xen vào lệ thường buồn tẻ.

Tôi biết mình là một người thường vội vã và dễ bực mình vì chuyện gì xen ngang lịch trình, và nếu chuyện đó xảy ra với tôi, hẳn tôi đã phản ứng với một câu chửi thầm thay vì bật cười. Và điều này khiến tôi suy nghĩ: Đây là một cô gái có lẽ không đi nhà thờ và không quan tâm nhiều về vấn đề đức tin, nhưng trong khoảnh khắc này, cô đang chiếu tỏa tuyệt vời sinh lực của Thiên Chúa. Còn tôi, một tu sỹ đã khấn hứa, một linh mục quá nghiêm túc, một nhà mục vụ và hay viết những bài thiêng liêng, lại quá thường tỏ ra cáu kỉnh là phản đề của sinh lực Thiên Chúa.

Nhưng có thật thế không? Thiên Chúa có thật sự bật cười khi những chiếc giỏ trong tiệm tạp hóa rơi xuống không? Thiên Chúa có bao giờ cáu kỉnh không? Bản tính thật sự của Thiên Chúa là gì?

Thiên Chúa là tình yêu và sự tha thứ vô điều kiện mà Chúa Giêsu đã mạc khải, nhưng Thiên Chúa cũng là sinh lực căn bản cho mọi sự. Và sinh lực đó, như thể hiện rõ ràng trong tạo vật và kinh thánh, là sáng tạo, dư dật đến phung phí, lành mạnh, đầy vui tươi, và hồ hởi. Nếu bạn muốn biết Thiên Chúa như thế nào, hãy nhìn vào sự hồ hởi tự nhiên của trẻ con, nhìn vào sự hồ hởi của một chú cún, nhìn vào sinh lực vui tươi hăng hái của người trẻ, và nhìn vào tiếng cười bộc phát của một cô gái mười sáu tuổi khi giật mình vì chiếc giỏ bị rơi. Và để thấy tính chất phung phí của Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn vào hàng tỷ tỷ hành tinh quanh mình. Sinh lực của Thiên Chúa dồi dào đến phung phí và cởi mở đến hồ hởi.

Vậy còn Thập giá thì sao? Chẳng phải Thập giá bày tỏ bản tính Thiên Chúa hơn mọi sự khác hay sao? Chẳng phải Thập giá cho chúng ta thấy Chúa hay sao? Chẳng phải đau khổ là con đường bẩm chất và thiết yếu để đến sự chín chắn và thánh thiện hay sao? Vậy là có sự mâu thuẫn giữa những gì Chúa Giêsu bày tỏ về bản tính Thiên Chúa trong cuộc khổ nạn chịu đóng đinh thập giá với những gì kinh thánh và tự nhiên biểu lộ về sự hồ hởi của Thiên Chúa sao?

Rõ ràng là có nghịch lý, nhưng không mâu thuẫn.  Trước hết, sự căng thẳng trái chiều giữa thập giá và sự hồ hởi, đã có trong con người và lời dạy của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu khiến những người đương thời chướng tai gai mắt vì nhiều chuyện. Ngài khiến họ gai mắt khi có thể từ bỏ mạng sống mình và mọi sự thế gian này, và Ngài lại cũng khiến họ gai mắt vì quá tận hưởng cuộc sống này và uống trọn những vui thú mà Thiên Chúa ban cho. Những người đương thời không thể đi cùng Ngài lúc Ngài vác thập giá, và họ cũng không thể đi cùng Ngài khi ăn uống với những người tội lỗi, cũng như thấy biết ơn và đẹp đẽ khi một người phụ nữ lấy dầu thơm đắt tiền mà xức chân Ngài.

Hơn nữa, không nên nhầm lẫn niềm vui và sự hồ hởi nằm ở bản tính Thiên Chúa với sự táo bạo ở những bữa tiệc và lễ hội. Trong những trò vui này, không phải là một sự vui mừng thực sự, mà là một sự tê liệt của não bộ và ý thức do một sự quá độ đến điên cuồng. Nó không chiếu tỏa sự hồ hởi của Thiên Chúa, và chắc chắn cũng không tỏa ra sự hồ hởi mạnh mẽ trong con người chúng ta đang chờ phát tiết. Các lễ hội gần như là nỗ lực để đẩy lùi khủng hoảng trầm cảm. Như Charles Taylor đã khéo léo chỉ ra rằng, chúng ta nghĩ ra lễ hội carnival bởi sự hồ hởi bản tính của chúng ta không tìm đủ đường ra trong cuộc sống thường nhật, nên chúng ta lập những dịp để trong một quãng thời gian chúng ta có thể cầm tù lý tính và giải phóng sự hồ hởi, như thả con thú ra khỏi chuồng. Nhưng dù cho là một cái van xả có tác dụng nhất định, nó không phải là cách lý tưởng để giải phóng sự hồ hởi bản tính của chúng ta.

Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi thường cảnh báo tôi về sự hồ hởi sai trái, là sự hồ hởi trong những bữa tiệc thác loạn, những tiếng cười không đúng chỗ, và lễ hội carnival. Câu châm ngôn của cha mẹ tôi là: Sau tiếng cười, là nước mắt! Họ đúng, nhưng chỉ đúng cho dạng tiếng cười mà chúng ta thường nổ ra trong những bữa tiệc để nhằm đẩy lùi khủng hoảng. Nhưng thập giá lại đảo ngược châm ngôn của cha mẹ tôi mà nói rằng:  Sau nước mắt, là tiếng cười! Chỉ sau thập giá, niềm vui mới chân thực. Chỉ sau thập giá, sự hồ hởi của chúng ta mới biểu lộ niềm vui đích thực mà chúng ta từng cảm nghiệm lúc nhỏ, và chỉ khi đó sự hồ hởi của chúng ta mới thực sự chiếu tỏa sinh lực của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu hứa rằng nếu chúng ta vác lấy thập giá của Ngài, Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta một sự hồ hởi vui tươi mà không một ai lấy mất được.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Từ
God’s Nature – Exuberance or the Cross?


(Nguồn: ronrolheiser.com)