Bản tính Thiên Chúa – Hồ hởi hay Thập giá?

.

11.10.2016

Chuyện khôi hài lại là nơi để học hỏi và có cái nhìn thoáng qua về sự thiêng liêng. Mới đây, trong một tiệm tạp hóa, tôi đã chứng kiến chuyện này.

Một cô gái trẻ, có lẽ khoảng 16 tuổi, cùng với hai cô khác trạc tuổi, bước vào tiệm. Cô lấy một giỏ đồ rồi đi chọn hàng, mà không biết có một chiếc giỏ khác đang mắc vào chiếc giỏ cô cầm.  Đến một lúc, chuyện không thể tránh khỏi đã xảy ra, chiếc giỏ kia bung ra và rơi xuống sàn kêu một tiếng lớn khiến cô và những người chung quanh hoảng hồn. Phản ứng của cô gái thế nào? Cô bật cười, toát ra một niềm vui thích thú khi bị giật mình. Với cô, chuyện chiếc giỏ bất thần rơi ra, không phải là một chuyện bực mình mà là một món quà, một chuyện khôi hài bất ngờ xen vào lệ thường buồn tẻ.

Tôi biết mình là một người thường vội vã và dễ bực mình vì chuyện gì xen ngang lịch trình, và nếu chuyện đó xảy ra với tôi, hẳn tôi đã phản ứng với một câu chửi thầm thay vì bật cười. Và điều này khiến tôi suy nghĩ: Đây là một cô gái có lẽ không đi nhà thờ và không quan tâm nhiều về vấn đề đức tin, nhưng trong khoảnh khắc này, cô đang chiếu tỏa tuyệt vời sinh lực của Thiên Chúa. Còn tôi, một tu sỹ đã khấn hứa, một linh mục quá nghiêm túc, một nhà mục vụ và hay viết những bài thiêng liêng, lại quá thường tỏ ra cáu kỉnh là phản đề của sinh lực Thiên Chúa.

Nhưng có thật thế không? Thiên Chúa có thật sự bật cười khi những chiếc giỏ trong tiệm tạp hóa rơi xuống không? Thiên Chúa có bao giờ cáu kỉnh không? Bản tính thật sự của Thiên Chúa là gì?

Thiên Chúa là tình yêu và sự tha thứ vô điều kiện mà Chúa Giêsu đã mạc khải, nhưng Thiên Chúa cũng là sinh lực căn bản cho mọi sự. Và sinh lực đó, như thể hiện rõ ràng trong tạo vật và kinh thánh, là sáng tạo, dư dật đến phung phí, lành mạnh, đầy vui tươi, và hồ hởi. Nếu bạn muốn biết Thiên Chúa như thế nào, hãy nhìn vào sự hồ hởi tự nhiên của trẻ con, nhìn vào sự hồ hởi của một chú cún, nhìn vào sinh lực vui tươi hăng hái của người trẻ, và nhìn vào tiếng cười bộc phát của một cô gái mười sáu tuổi khi giật mình vì chiếc giỏ bị rơi. Và để thấy tính chất phung phí của Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn vào hàng tỷ tỷ hành tinh quanh mình. Sinh lực của Thiên Chúa dồi dào đến phung phí và cởi mở đến hồ hởi.

Vậy còn Thập giá thì sao? Chẳng phải Thập giá bày tỏ bản tính Thiên Chúa hơn mọi sự khác hay sao? Chẳng phải Thập giá cho chúng ta thấy Chúa hay sao? Chẳng phải đau khổ là con đường bẩm chất và thiết yếu để đến sự chín chắn và thánh thiện hay sao? Vậy là có sự mâu thuẫn giữa những gì Chúa Giêsu bày tỏ về bản tính Thiên Chúa trong cuộc khổ nạn chịu đóng đinh thập giá với những gì kinh thánh và tự nhiên biểu lộ về sự hồ hởi của Thiên Chúa sao?

Rõ ràng là có nghịch lý, nhưng không mâu thuẫn.  Trước hết, sự căng thẳng trái chiều giữa thập giá và sự hồ hởi, đã có trong con người và lời dạy của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu khiến những người đương thời chướng tai gai mắt vì nhiều chuyện. Ngài khiến họ gai mắt khi có thể từ bỏ mạng sống mình và mọi sự thế gian này, và Ngài lại cũng khiến họ gai mắt vì quá tận hưởng cuộc sống này và uống trọn những vui thú mà Thiên Chúa ban cho. Những người đương thời không thể đi cùng Ngài lúc Ngài vác thập giá, và họ cũng không thể đi cùng Ngài khi ăn uống với những người tội lỗi, cũng như thấy biết ơn và đẹp đẽ khi một người phụ nữ lấy dầu thơm đắt tiền mà xức chân Ngài.

Hơn nữa, không nên nhầm lẫn niềm vui và sự hồ hởi nằm ở bản tính Thiên Chúa với sự táo bạo ở những bữa tiệc và lễ hội. Trong những trò vui này, không phải là một sự vui mừng thực sự, mà là một sự tê liệt của não bộ và ý thức do một sự quá độ đến điên cuồng. Nó không chiếu tỏa sự hồ hởi của Thiên Chúa, và chắc chắn cũng không tỏa ra sự hồ hởi mạnh mẽ trong con người chúng ta đang chờ phát tiết. Các lễ hội gần như là nỗ lực để đẩy lùi khủng hoảng trầm cảm. Như Charles Taylor đã khéo léo chỉ ra rằng, chúng ta nghĩ ra lễ hội carnival bởi sự hồ hởi bản tính của chúng ta không tìm đủ đường ra trong cuộc sống thường nhật, nên chúng ta lập những dịp để trong một quãng thời gian chúng ta có thể cầm tù lý tính và giải phóng sự hồ hởi, như thả con thú ra khỏi chuồng. Nhưng dù cho là một cái van xả có tác dụng nhất định, nó không phải là cách lý tưởng để giải phóng sự hồ hởi bản tính của chúng ta.

Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi thường cảnh báo tôi về sự hồ hởi sai trái, là sự hồ hởi trong những bữa tiệc thác loạn, những tiếng cười không đúng chỗ, và lễ hội carnival. Câu châm ngôn của cha mẹ tôi là: Sau tiếng cười, là nước mắt! Họ đúng, nhưng chỉ đúng cho dạng tiếng cười mà chúng ta thường nổ ra trong những bữa tiệc để nhằm đẩy lùi khủng hoảng. Nhưng thập giá lại đảo ngược châm ngôn của cha mẹ tôi mà nói rằng:  Sau nước mắt, là tiếng cười! Chỉ sau thập giá, niềm vui mới chân thực. Chỉ sau thập giá, sự hồ hởi của chúng ta mới biểu lộ niềm vui đích thực mà chúng ta từng cảm nghiệm lúc nhỏ, và chỉ khi đó sự hồ hởi của chúng ta mới thực sự chiếu tỏa sinh lực của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu hứa rằng nếu chúng ta vác lấy thập giá của Ngài, Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta một sự hồ hởi vui tươi mà không một ai lấy mất được.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Từ
God’s Nature – Exuberance or the Cross?


(Nguồn: ronrolheiser.com)

Leave a comment